Cơn mưa lớn ngày 19/5 gây ngập hàng chục tuyến đường nhưng Sở Giao thông Vận tải thống kê chỉ có 10 đường bị ngập sâu từ 0,1 m đến 0,25 m. Do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên xuất hiện tình trạng "tụ nước" trên 22 tuyến đường, thời gian rút nước trung bình sau mưa 10-20 phút. Thống kê này dựa trên báo cáo của Trung tâm chống ngập.
Ông Đỗ Tấn Long (Trưởng phòng Thoát nước, Trung tâm chống ngập TP HCM) cho biết, tiêu chí đánh giá điểm ngập được tính theo quy định của Bộ Xây Dựng. Nếu dứt mưa khoảng 30 phút mà đường còn ngập lớn hơn hoặc bằng 0,1 m thì gọi là điểm ngập. Còn vị trí độ sâu trung bình nhỏ hơn 0,1 m gọi là "tụ nước".
Mấy năm gần đây, hễ mỗi lần trời mưa lớn là một vài tuyến đường tại TP HCM bị ngập, trong đó có "con đường đau khổ" Nguyễn Hữu Cảnh là ngập sâu, ngập nặng nhất. Tuy nhiên, số tuyến đường bị ngập ngày càng tăng, trải dài khắp các quận ở phía đông lẫn phía tây thành phố.
Năm 2017 có dự án máy bơm nghìn tỷ chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng dường như không mấy hiệu quả. Tôi còn nhớ rằng địa hình Sài Gòn thấp dần sang phía quận 7, Nhà Bè, người Pháp đã có cảnh báo không nên phát triển sang hướng đó. Nhưng hiện nay ai cũng nhìn thấy nơi này đang có tốc độ đô thị hoá rất cao, nhà cửa, cao ốc mọc lên san sát.
Tôi băn khoăn rằng thành phố chúng ta ngày càng ngập nặng là do yếu tố tự nhiên hay do con người? Vì nếu xác định nguyên nhân chính xác thì mới tìm được giải pháp đúng đắn và phù hợp để chống ngập. Bằng không, tình trạng này sẽ dần tồi tệ hơn qua từng năm.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.