Đó là lời thắc mắc của độc giả Trung Thắng sau khi biết số người chết vì tai nạn giao thông năm 2014 là 9.000 người được Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo với lãnh đạo Quốc hội sáng 11/2. Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: "Chúng ta không thể để một đất nước hòa bình mà mỗi năm có 8.000 - 9.000 người chết vì tai nạn giao thông".
Vấn đề này ngay lập tức nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi của độc giả gửi về VnExpress mổ xẻ nguyên nhân tại sao số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm nhưng vẫn còn cao.
Bạn đọc Phong cho rằng nguyên nhân tai nạn giao thông ở Việt Nam cao là do xe máy chạy chung với ôtô và xe tải. Thứ hai là còn quá nhiều quốc lộ không ngăn được hai chiều riêng biệt nên hay xảy ra tình trạng 2 xe húc đầu vào nhau.
"Tôi thấy lạ là người Việt mình đi ra nước ngoài thì chấp hành luật giao thông rất nghiêm. Có phải vì cách tổ chức giao thông tại những quốc gia đó làm cho họ không thể tùy tiện mà vi phạm được", bạn đọc Trung Thắng chia sẻ.
"Ở nước các nước phát triển người ta đâu có khuyến khích xe máy, chỉ ưu tiên xe công cộng và ôtô. Vì vậy văn hóa giao thông họ rất cao. Còn ở ta thì ngược lại, phương tiện công cộng thì chưa được đầy đủ, ôtô thì thuế cao ngất ngưởng dẫn đến vô tình đang khuyến khích cho xe 2 bánh, mà đi xe 2 bánh thì làm gì có được văn hóa giao thông mà cao hay thấp.
Đa phần người Việt đi xe hai bánh chỉ có một luật duy nhất là cứ chỗ nào trống là lao lên, thích rẽ hay dừng chỗ nào là làm thôi. Tính ra số người chết vì tai nạn xe máy phải cao hơn rất nhiều so với xe khách và ôtô gây ra", độc giả Thanh nói.
Còn bạn đọc Hoàng Sơn thì cho rằng, ở các nước tiên tiến giao thông họ tổ chức rất khoa học và có luật nghiêm túc. Ai sai người đó chịu trách nhiệm, đi bộ mà sai cũng chết như thường. Vì thế, họ rất ý thức khi tham gia giao thông nên số người chết do tai nạn cũng rất ít.
"Thấy vạch dành cho người đi bộ ở nước ta là tôi nản toàn tập. Người đi thì cứ đi, xe máy ôtô vẫn chạy cắt mặt qua vèo vèo. Như vậy hỏi sao tai nạn không nhiều", bạn đọc Hoàng tâm sự.
"Cơ bản vẫn là ý thức tham gia giao thông của mỗi người. Ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh thì tai nạn sẽ không xảy ra. Bên Nhật đường họ không phân làn nhưng ôtô họ chạy rất nhanh mà sao vẫn không thấy cảnh húc đầu vào nhau. Lý do là vì ý thức đi đường của họ cao. Họ không uống rượu bia khi lái xe, chấp hành nghiêm chỉnh tín hiệu giao thông... Còn ở Việt Nam lái xe thấy đèn vàng lẽ ra phải đi chậm và dừng chờ đèn đỏ thì lại vặn ga tăng tốc cho kịp qua", độc giả có nickname Mika nói.
Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc Vũ Tuấn nói: "Cứ đứng xem vài ngã tư có đèn giao thông hẳn hoi nhưng không có cảnh sát trực sẽ thấy ngay nguyên nhân. Nam thanh nữ tú, trẻ em, người lớn... chạy xe như kiểu bầy ong vỡ tổ, nhìn là thấy nản".
Để giảm số người chết do tai nạn giao thông trong bối cảnh này, độc giả Thục Vũ hiến kế: "Thứ nhất phải mạnh dạn trong sạch bộ máy công an giao thông. Thứ hai, phạt thật nặng, thậm chí giam giữ người cố tình vi phạm giao thông. Thứ ba, từng bước cải thiện chất lượng đường xá, tăng đường tàu hỏa để giảm bớt xe chở hàng, xe tải.
Thứ tư phát triển giao thông công cộng, tăng thuế tối đa để giảm phương tiện cá nhân. Thứ năm, xử lý nghiêm túc thậm chí bỏ tù những cán bộ lợi dụng nhiệm vụ để trục lợi (bảo kê xe tải, kiểm định xe, công an làm nhiệm vụ giao thông, cấp bằng lái...). Có như thế ở Việt Nam mới giảm số người chết vì tai nạn giao thông.
>> Xem thêm: Giao thông Việt Nam trong mắt người nước ngoài
Chia sẻ bài viết của bạn về giao thông ở Việt Nam tại đây.