Một vài người bạn thuyết phục tôi tham gia cuộc thi Ironman tại Đà Nẵng cách đây vài năm. Ban đầu, nhìn hành trình thi đấu: 1,9 km bơi biển, 90 km đạp xe và 21km chạy bộ, tôi tìm cớ trì hoãn.
“Gian khổ quá, sao mình làm được”, bộ não tôi chống đối. Rồi trong một phút bối rối, tôi nhắm mắt đăng ký cho giải tháng 5 năm 2017. Sự đã rồi. Tôi ép mình tập luyện miệt mài vì áp lực rất lớn phải hoàn thành thử thách này. Nhưng nỗ lực thôi chưa đủ. Tôi thường xuyên bị chấn thương. Chấn thương rất dễ làm bạn nản chí vì bạn phải quay lại vạch xuất phát sau thời gian ngưng tập để phục hồi.
Tôi chia sẻ về cách tập luyện của mình với một huấn luyện viên người nước ngoài, và hiểu ra mình đã hoàn toàn tập sai cách. Tôi quyết định thuê một huấn luyện viên chuyên nghiệp để hướng dẫn cách thức tập luyện, chế độ dinh dưỡng và hồi phục sau luyện tập.
Chi phí thuê một huấn luyện viên chuyên nghiệp rất đắt, nhưng thực sự là một khoản đầu tư hiệu quả. Việc này giúp tôi nắm bắt cách tập thể thao bài bản, lâu dài cũng như lên kế hoạch tập luyện chi tiết cho thể trạng của riêng mình, với từng mục tiêu.
Chúng tôi đã lập lịch tập hàng ngày cho cả một năm trước mắt. Tôi đã trải nghiệm những lý thú tôi chưa từng có khi tham gia các cuộc thi Ironman hoặc marathon. Nó cũng “bơi, chạy” nhiều cung bậc: hồi hộp khi bắt đầu thi, giận dữ vì “tại sao mình lại tự đầy ải mình” trong hành trình, lo lắng vì không biết có thể về đích trong thời gian quy định, kiệt quệ vì quá mệt mà còn chặng đường dài phía trước. Và vô cùng sung sướng khi chạm đích.
Tôi lớn lên trong hệ thống trường công từ mẫu giáo đến đại học. Ở đó, thể thao luôn là môn tôi không thực sự hứng thú. Chúng tôi chỉ được ra một khoảng sân hẹp để khoa chân múa tay làm nóng người hơn là chơi thể thao. Nó còn bị coi là môn phụ nên cũng ít ai quan tâm. Sau khi ra trường và đi làm, tôi bắt đầu chơi các môn thể thao khác nhau nhưng cũng không thực sự nghiêm túc và cũng không có mục tiêu rõ ràng rằng tập để làm gì. Tôi suy nghĩ đơn giản “để khỏe”. Tuy nhiên, mục tiêu khỏe này có vẻ rất mơ hồ và khó đo lường. Mỗi khi có lý do “thấy hơi mệt, bận nên không sắp xếp thời gian được”, tôi rất vui vẻ bỏ buổi tập.
Còn bây giờ, rất nhiều người hỏi tại sao tôi rất bận với công việc nhưng vẫn tham gia các cuộc thi thể thao. Câu trả lời rất đơn giản: Thể thao cho tôi nhiều phần thưởng. Các cuộc thi giúp tôi thay đổi quan điểm, tạo động lực cho tôi vươn lên trong cuộc sống và công việc. Nhờ thể thao, tôi hiểu rằng tôi có thể làm được những việc tưởng như không thể. Và, không có gì là “không thể”.
Lịch tập 1-1,5 tiếng sáng sớm hàng ngày hiện nay giúp tôi năng lượng lớn cho ngày làm việc mới. Nếu phải đi công tác, tôi đều tìm hiểu rất kỹ khu vực mình sẽ tới, lên chương trình tập và tận dụng cơ hội chạy bộ để tìm hiểu về cuộc sống và con người nơi đó, điều mà tôi không thể làm nếu chỉ ngồi trong xe hơi.
Tôi rất khâm phục nhiều người nước ngoài. Bất cứ khi nào có thời gian, bất kể nắng mưa, họ đều tận dụng để chạy bộ hoặc tập thể thao. Điều này xuất phát từ việc họ chơi rất nhiều môn thể thao từ nhỏ. Một người sếp cũ lớn tuổi của tôi vẫn đều đặn chơi thể thao. Ông sống tích cực, tràn đầy năng lượng, đam mê cống hiến cho xã hội. Ông dự định tham gia cuộc thi Ironman với con và cháu sắp tới đây, khi ông tròn 70 tuổi.
Còn ở Việt Nam, người già rất chịu khó ra công viên tập thể thao nhưng ít người trẻ đi tập. Có lẽ họ chưa thấy thực sự cần. Tuy nhiên, chính việc tập luyện thể thao từ nhỏ sẽ giúp ta xây dựng nền tảng thể lực tốt, tạo một cuộc đời năng động và tích cực lâu dài, như ông sếp cũ của tôi. Học sinh Việt Nam vẫn phải dành hầu như toàn bộ thời gian cho việc học tại trường, học thêm và làm bài tập tại nhà.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc chơi thể thao bài bản sẽ giúp các em đạt kết quả học tập tốt hơn, có nền tảng thể lực tốt, tạo tính kỷ luật cao và sống tự tin. Một số người đã quan tâm đến thể thao nhưng ít chơi trong tuần do bận mà dồn toàn bộ sức lực để tập vào hai ngày cuối tuần. Đây là một cách thiếu khoa học vì rất dễ gây chấn thương, bất lợi cho sức khỏe.
Còn một số người lại đến với thể thao chỉ vì “để giảm cân”. Đó là cách nghĩ khiến họ khó có thể chơi thể thao lâu dài. Sự thật, chơi thể thao chỉ đóng góp khoảng 20% - 30% trong việc giảm cân, còn lại do chế độ dinh dưỡng.Không phải khi bạn tập thể thao rồi thì ăn gì cũng được. Một chế độ tập luyện đều đặn trong tuần kết hợp với dinh dưỡng và nghỉ ngơi mới tạo đường băng cho lối sống lành mạnh, lâu dài. Để quay về sức khỏe, để tạo được thói quen chơi thể thao thường xuyên không dễ dàng. Nhưng khi chúng ta đã vượt qua giai đoạn khởi động ban đầu, niềm đam mê thể thao sẽ hình thành.
Khi đó, càng chơi thể thao nhiều, cơ thể chúng ta càng sản xuất ra nhiều chất adrenaline - chất gây hứng thú và tạo cảm giác ghiền thể thao. Tập thể thao mang đến nhiều lợi ích. Với mỗi cá nhân, thể thao giúp tăng sức khỏe, tăng năng suất lao động (đây cũng là vấn đề Việt Nam cần giải quyết), giảm bệnh tật, tạo suy nghĩ tích cực, tạo sự năng động và tạo cơ hội thành công.
Đối với gia đình và xã hội, thể thao giúp giảm chi phí y tế, giảm thời gian lãng phí vào các cuộc nhậu nhẹt và giảm tai nạn giao thông do say xỉn. Cuối cùng, thể thao cũng góp một phần vào việc xây dựng một đất nước phát triển, nơi mọi người dân đều có sức khỏe tốt, trí tuệ minh mẫn và tinh thần lạc quan. Với tôi, thể thao còn như một triết lý sống, một lối sống. Chơi thể thao sức bền (chạy bộ, bơi hay xe đạp) cũng là một dạng thiền động thay vì thiền tĩnh, giúp đầu óc sáng suốt hơn. Tôi tin thể thao là một cách giúp thay đổi cuộc đời con người.
Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.