Khi lý giải về hiện tượng xe hơi Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới, nhiều người luôn có tư tưởng “Lấy của người giàu chia cho người nghèo”. Có nghĩa là người giàu kiếm được nhiều tiền thì nên chia sẻ với cộng đồng thông qua việc đóng thuế.
Tôi cho rằng quan điểm này có nhiều chỗ chưa hợp lý. Chúng ta luôn hướng tới một xã hội công bằng, ở đó người làm nhiều hưởng nhiều, người làm ít hưởng ít. Người nghèo không làm việc, hoặc làm việc năng suất không cao, lười lao động, hoặc ít nhất là không thể làm việc, như vậy họ không thể hưởng quyền lợi ngang với những người làm việc vất vả hơn họ.
Người giàu họ làm việc bằng hàng trăm, hàng nghìn người nghèo, thậm chí, theo ông Lee Kun-hee, chủ tịch tập đoàn Samsung: “Một thiên tài có thể nuôi sống hàng triệu người khác". Vậy nên tài sản của họ nhiều đó là chuyện đương nhiên. Vậy hà cớ gì cứ áp đặt tư tưởng giàu là phải chia sẻ cho nghèo. Lấy việc áp thuế, phí cao để đè lên vai người giàu, trong khi họ đang tạo công ăn việc làm, nuôi sống hàng triệu người nghèo là bất hợp lý.
Khi họ giàu, họ sẽ tìm cách tiêu tiền, và trực tiếp hoặc gián tiếp tạo công ăn việc làm cho người nghèo, theo tôi đó mới là trách nhiệm xã hội, là công bằng.
Thứ hai là thuế phí cao như vậy, nhưng kết quả họ được hưởng gì? Đường sá thì toàn ổ “khủng long”, sơ sẩy một cái là lọt xuống hố tử thần. Trạm thu phí thì mọc lên như nấm mọc sau mưa, đang đi đường chỉ cần mất tập trung một lát là barie đập vào mặt ngay lập tức.
Trong khi tiền thuế mua xe vẫn phải đóng không thiếu một đồng, những người giàu lại phải chịu chung số phận với những người chẳng đóng một đồng xu nào. Nếu như việc đóng thuế cao thì đường sá được mở rộng, không kẹt xe, không bị lũ cuốn trôi thì cái giá để họ sở hữu cũng đáng.
Việc giá xe hơi Việt Nam cao là do doanh nghiệp không chịu nội địa hóa, nhưng có nội địa hóa thì vẫn đắt bởi thuế suất cao. Khi mà cái xe hơi cũng bị coi là hàng hóa tiêu thụ đặc biệt, và những chủ nhân của xe hơi cũng là người đặc biệt. Chính những loại thuế này khiến các doanh nghiệp nước ngoài không mặn mà đầu tư nhiều tiền của, công nghệ vào Việt Nam, dẫn tới phải nhập khẩu hoàn toàn. Đây là cái vòng luẩn quẩn mà các doanh nghiệp xe hơi Việt Nam không thể nào vượt qua được.
Điều tiếp theo là các cơ quan chức năng suốt ngày đòi “hạn chế xe cá nhân”, họ tìm đủ mọi cách để ngăn sông cấm chợ, nhưng kết quả là gì, xe vẫn tắc, đường không mở rộng được do tầm nhìn quy hoạch ngắn, tiền thuế vẫn thu. Nhiều người đưa ra phương án là sao không đi xe công cộng, nhưng thử nhìn lại xem xe công cộng của ta chất lượng như thế nào?.
Tất cả những luận điểm trên tôi đưa ra chỉ muốn kết lại một điều, người Việt Nam sẽ mãi lạc hậu, đất nước chúng ta sẽ vẫn mãi trong giai đoạn hậu nông nghiệp mà thôi nếu không thay đổi ngay cái tư duy kiểu tiểu nông này. Hãy nhìn người giàu bằng ánh mắt thân thiện hơn, coi trọng hơn, chỉ như vậy mới thúc đẩy xã hội phát triển được.
Chừng nào xã hội còn những người còn có suy nghĩ kiểu như, "nhà giàu nó phải có trách nhiệm nuôi mình", "có tiền sao không làm từ thiện",… thì chừng đó đất nước chúng ta vẫn mãi lạc hậu và chậm tiến.
>> Xem thêm: Bực mình vì đi xe hơi ra đường bị "trẻ trâu" trêu ngươi.
Thạch Lam
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.