Bỏ qua những khó khăn, chúng ta hãy cấm xe máy. Sớm hay muộn gì điều này cũng cần phải thực hiện, vì vậy tôi xin góp ý một chút về lộ trình này và bàn thêm về tính khả thi của giải pháp.
Giai đoạn 1: Cấm xe máy trong trung tâm Quận 1, TP HCM
Khu vực này được giới hạn bới các con đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Trương Định, Lê Lai, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng. Đây là cung đường bao quanh khu trung tâm Quận 1.
Trong khu vực này không cho xe máy vào, ưu tiên phần đường bên phải sát lề đường cho xe buýt vào giờ cao điểm. Xe buýt sẽ không phải chuyển làn ra vào mỗi khi trả hoặc bắt khách, tất thích hợp trong giờ cao điểm.
Cần dọn dẹp sạch các quán bán hàng lấn chiếm hành lang của người đi bộ. Các hàng quán phải được quy hoạch rõ ràng, buôn bán trong phạm vi cho phép. Người đi bộ bị cấm xuống lòng đường, vì làn đường bên phải đã ưu tiên cho xe buýt.
Khu vực này không quá rộng, người dân có thể đi bộ từ 2 điểm trong khu vực cấm xe máy từ 10-15 phút là tới nơi.
Đây cũng là quy hoạch mà Singapore thực hiện khi xây dựng hệ thống xe buýt, các trạm cách nhau từ 500m - 1,5km. Đảm bảo rằng người dân không phải đi quá xa để đến trạm gần nhất.
Vào những ngày đi làm từ thứ 2-6, giờ nghỉ trưa, nhân viên văn phòng có thể đi bộ quanh các con phố để tìm chỗ ăn uống, nghỉ ngơi, đi đúng các phần đường cho người đi bộ, qua đường đúng tín hiệu đèn, góp phần văn minh cho thành phố.
Sau một năm thực hiện, mọi người dần quan với nếp sống đó, sẽ qua giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: Cấm xe máy trong toàn Quận 1
Giới hạn được mở rộng ra thành các đường: Nguyễn Đình Chiểu, CMT8, Nguyễn Thị Nghĩa, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Đinh Tiên Hoàng.
Khu vực này có bán kính 3km. Hiện tại nếu di chuyển bằng xe máy cũng mất từ 5-10 phút. Bây giờ đi bộ kết hợp với xe buýt, mất từ 10-15 phút, nhưng đổi lại sẽ được một thành phố văn minh và ngăn nắp hơn.
Các giai đoạn 3,4,5 sẽ dần mở rộng khu vực cấm xe máy để tiến tới thành phố văn minh không có xe gắn máy.
Khi cấm xe máy, nạn bán hàng rong, bán hàng lề đường sẽ giảm bớt. Làn đường bên phải trong cùng sẽ thông thoáng hơn cho xe buýt. Các làn đường bên trái sẽ có nhiều không gian cho các loại xe ô tô khác.
Người đi bộ cũng sẽ chú ý nhiều hơn khi đi trên lề đường và qua đường, tránh được tình trạng hỗn loạn và ô nhiễm tiếng ồn do xe máy gây ra và cũng tránh tình trạng lộn xộn do người đi bộ do không có đường đi gây ra.
Những khó khăn trong giai đoạn đầu cấm xe máy là phải nâng cao ý thức người dân chấp hành luật giao thông, không vào các khu đã cấm xe máy. Cần nâng cấp bản đồ xe buýt rõ ràng, dễ hiểu (học hỏi bản đồ của Singapore), dọn dẹp các hành lang vỉa hè.
Dời các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ vào các khu thương mại, các quán ăn vỉa hè cũng nên gom lại thành những khu vực riêng, hoặc vẫn được phép hoạt động nhưng không được vi phạm lấn chiếm vỉa hè.
Trong quá trình cấm theo từng giai đoạn, thành phố sẽ có thời gian để nâng cấp dần hệ thống xe buýt, phương tiện công cộng. Trong những năm tới sẽ có thêm hệ thống tàu điện ngầm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Xe taxi giá rẻ lúc đó cũng đã ở mức hợp lí nếu đi từ 3 người trở lên trong khu vực cấm xe máy.
>> Xem thêm: 6 thói xấu người Việt bùng phát khi đi xe máy
Minh Kỳ
Chia sẻ bài viết về giao thông tại đây