Bản thân tôi cũng đang dùng xe máy làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Vậy làm thế nào để có được giải pháp tiến tới hạn chế và cấm dùng xe máy (cá nhân) lưu thông tại Hà Nội và TP.HCM?
Cần phải có lộ trình nhưng lộ trình đó là bao lâu? Theo tôi, Bộ Giao thông vận tải nên giao cho hai thành phố lớn tự lên chủ trương và kế hoạch.
Bản chất đô thị của nước ta rất khác so với các quốc gia trên thế giới. Hệ thống quy hoạch nhà cửa và đường sá cũng khác. Chúng ta quy hoạch từ mặt trước (mặt tiền) nhà lấn dần ra sau nhà. Không có một quy hoạch nào phủ trọn một vùng cơ bản trong không gian đô thị, vì thế ngõ ngách, hẻm... nằm sâu bên trong làm cho hệ thống giao thông công cộng nếu có phát triển tốt cũng không thể tiếp cận để phục vụ người dân.
(Xem thêm: Cấm xe máy, người Hà Nội-Sài Gòn đi bằng gì? )
Chúng ta sở hữu phương tiện cá nhân cũng như sở hữu nhà cá nhân. Ý tôi muốn nói là quan điểm sở hữu cá nhân của người dân sống tại các đô thị lớn đã trở nên quen thuộc, nhất thời khó mà thay đổi.
Tại các thành phố lớn trên thế giới, phần lớn dân cư sống tập trung trong các căn hộ cao tầng. Các trung tâm mua sắm cũng tập trung và được quy hoạch rõ ràng, vì thế hệ thống giao thông công cộng không gặp nhiều khó khăn.
Theo tôi, nên làm như sau:
1. Lập một ban nghiên cứu xã hội (tạm gọi là vậy). Ban này nghiên cứu xem cư dân trong đô thị hàng ngày làm gì, di chuyển ra sao, đi đâu, nhằm mục đích gì?... Cần như thế bởi vì tôi thấy bước ra khỏi cửa nhà là dùng xe: đi ra tiệm tạp hóa chưa đầy 60m cũng dùng xe, đi cà phê cũng dùng xe, thậm chí có người cứ dùng xe chạy miệt mài ngoài đường 1, 2 giờ sáng,... Như vậy khi nghiên cứu sâu thì đưa ra giải pháp sẽ không gặp khó.
2.Lập lại trật tự lòng lề đường cho thông thoáng, cái này thấy chủ trương đã có nhưng làm chưa sâu, dạng bắt cóc bỏ dĩa.
3.Di chuyển các ngành nghề sản xuất lớn và một vài trường học ra khỏi nội đô.
4. Thiết lập lại xe buýt: loại lớn chạy tuyến ven ngoài, loại nhỏ chạy len lỏi trong nội đô, ngõ, hẻm và liên kết trung chuyển với nhau.
5. Hỗ trợ giảm cước taxi cho cư dân trong đô thị bằng các hình thức: cho quảng cáo trên xe, giảm thuế, giảm giá cho thuê bến bãi cho các hãng taxi...
6. Song song đó kêu gọi đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông công cộng bằng các hình thức như: đổi đất lấy đầu tư. Hiện tại nhiều khu đất rất tiềm năng nhưng nhà nước chưa có mục đích hoặc nhu cầu khai thác. Việc khuyến khích như vậy nhằm tránh lãng phí. Hình thức này cũng có lợi rất lớn cho phát triển đô thị, làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn.
7. Tiến dần tới bỏ đăng ký xe gắn máy (xe hai bánh), hạn chế xe ô tô và khoanh vùng cấm xe hai bánh trong nội đô, lan tỏa ra dần dần.
Như thế nếu có kế hoạch nhất định thì lộ trình loại bỏ xe cá nhân rất ngắn và nhanh.
>>Xem thêm: Trung Quốc mất 10 năm để cấm xe máy ở Quảng Châu
Phước Lộc
Chia sẻ bài viết về giải pháp cho xe máy ở Việt Nam tại đây.