Tôi cho rằng biết mình nghèo đến đâu, phải bắt đầu làm giàu bằng cách nào mới là con đường ngắn nhất thay đổi cuộc sống bằng không chúng ta cứ loay hoay với những ảo tượng giàu có bằng sự hoang phí, cứ sĩ diện với việc lạm dụng “mặt tiền”, danh hão thì dẫu có cơ hội tích lũy thoát nghèo thì e rằng người Việt vẫn túng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo và không phải cách làm giàu nào cũng giúp người ta thoát nghèo. Lối thoát duy nhất giúp người ta vượt qua được cái nghèo chính là dám dối diện với những gì mình đang có, đây là điều khó làm nhất với những ai thích sĩ diện hão, chuộng thành tích, tiêu hoang…
Nếu ai đặt câu hỏi, nếu diễn đàn nào mở ra, tôi nghĩ sẽ có đến hàng ngàn bài viết đả phá, lên án những thói xấu đập vào mặt chúng ta hàng ngày. Với những bạn ít nhiều có dịp sang các nước phát triển, chỉ cần làm phép so sánh đã đủ thấy “bi lắm” như văn sĩ Hoàng trong tác phẩm “Đôi mắt” của Nam Cao).
Thế nhưng, nếu ngẫm kĩ ra thì chúng ta thấy tất cả những điều ấy đều bắt đầu từ sự trốn tránh thực tế, sợ bị người khác biết được thực lực, sợ phải nhìn vào vũng nước dưới sân nhà, đồng lương trong tủ, phải nghe những lời nhận xét thẳng thắn về gia tài tri thức tích góp cả đời của mình nên thói xấu ấy mới đeo đẳng, cắn rứt như thế.
Chuyện người vừa mới giàu tiêu hoang, xa xỉ, chuyện người mua bằng, chạy chức quản lí công việc yếu kém đã rõ như ban ngày. Chúng ta nhìn vào phần còn lại tưởng như phải đối lập, khác biệt hơn thì lại bỗng nhận ra phần ấy cũng chẳng khác là bao.
Người ta cứ mãi chê những nhà có điều kiện, kinh tế xa hoa, nuông chiều con, nhưng lắm nhà khi cưới xin phải vay nợ đủ nơi mà vẫn ham hố đồ trang sức, chụp ảnh cưới đắt tiền và sắm giường tủ lên tới cả chục triệu, trăm triệu. Nếu họ dùng số tiền phung phí ấy để cho con cái ra ở riêng, mở cửa hàng, cửa hiệu, nuôi đàn lợn, con bò… thì có phải bền vững và khấm khá hơn không?
Tuy nhiên, không đời nào họ làm vậy bởi từ cha mẹ đến con cái đều sợ người ta biết mình nghèo, sợ ngày cưới mình kém cạnh nhà giàu. Đời cô dâu bước lên Camry, Mercedes, Lexus… một lần thì cả năm sau vợ chồng còng lưng ăn mì tôm, đậu phụ luộc trả nợ. Nhà này nhìn mà kia mà run sợ nhưng họ vẫn răm rắp làm theo tiền lệ ấy, biết là giả tạo nhưng họ vẫn phải diễn cho hết nhẽ.
Người ta chê những nhà lãnh đạo không có tầm, người dân không có tâm, than cho cái nghiệp đèn sách nhưng cứ nhìn cách cán bộ nhà nước “dạy” làm thủ tục, khai lá đơn, điền phiếu sao tôi thấy tối nghĩa và rườm rà đến thế.
Chưa kể đến khi xông pha vào thực tế, họ thấy cái gì cũng chung chung, máy móc nhiều loại và họ chẳng rõ cái gì ra cái gì. Ấy thế nhưng đã có ai trong số ấy, gồm cả một số người hay lớn tiếng phản bác thói xấu người Việt dám lên tiếng thừa nhận là vốn chữ nghĩa bấy lâu nay của mình đều chỉ là lí thuyết suông học theo sách, trả bài theo giáo án của thầy cô đồng thời vốn riêng của mình chỉ là còn số 0?
Tôi nghĩ, chung quy không phải vì hoàn cảnh của người Việt mình còn khó khăn, vì thói xấu thành “thâm căn cố đế’ khiến chúng ta mãi nghèo, sĩ diện, chuộng thành tích, thích phù hoa, mà chính là vì không người ta không dám đối diện với chính thể trạng tâm hồn mình để mà chữa trị.
Điều ấy cũng giống hệt như người lâm trọng bệnh nhưng không dám nhìn vào đơn kê của bác sĩ mà tự lảng sang uống đơn thuốc khác, chữa vòng sang bệnh khác để tự trấn an, đánh lừa mình bằng những thứ lực bất tòng tâm.
Tôi cho rằng cái nghèo từ tư duy mãi sẽ là thứ đeo bám con người và xã hội. Cứ như thế, chắc chẳng biết đến bao giờ đất nước Việt Nam ta mới khá được.
>> Xem thêm: Người giàu càng giàu, người nghèo vẫn mãi nghèo / Người nghèo thường thích chê bai người giàu
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.