Ở nước ta, nhiều trường đại học, cao đẳng có đội ngũ cán bộ, giảng viên mới chỉ ở bậc cử nhân và thạc sĩ mới tốt nghiệp (tôi không có ý đánh đồng những giảng viên lâu năm và giàu kinh nghiệm). Điều này gây ra tình trạng cử nhân dạy cử nhân.
Các bạn hãy thử hình dung rằng một người vừa qua sông lại quay trở lại hướng dẫn người khác qua sông. Trong khi anh ta chưa có kinh nghiệm và hiểu biết cặn kẽ về thời tiết, địa hình, độ nông sâu của con sông đó.
Đơn thuần như ở trường tôi, một giảng viên 26 tuổi, có bằng thạc sĩ, khi đứng trên bục giảng dạy thế hệ 8x, 9x, giảng viên chưa có đủ kinh nghiệm để đi sâu, phân tích kỹ một vấn đề. Khi sinh viên thắc mắc cần tháo gỡ một vấn đề nào đó thì giảng viên ấp úng không giải quyết được.
Giáo dục Việt Nam từ lâu đã trở thành một vấn đề xã hội nóng bỏng được bàn đi nói lại từ năm này qua năm khác. Hằng năm nước ta vẫn xuất hiện những vụ bê bối trong giáo dục, thi cử và câu hỏi đặt ra là tại sao và do đâu mà nền giáo dục Việt Nam lại như vậy dù đã có rất nhiều biện pháp, chủ trương để khắc phục?
Chúng ta có quá nhiều cấp giáo dục như: Giáo dục cấp nhà trẻ - mẫu giáo, giáo dục cơ bản (cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông), giáo dục sau phổ thông (dự bị đại học, trung cấp dạy nghề, cao đẳng, đại học) và giáo dục sau đại học (cao học, nghiên cứu sinh), đấy là còn chưa kể về một số cấp giáo dục khác.
Khi nhìn vào thống kê trên chúng ta thấy rằng nếu một người muốn đạt được học vị cao nhất (tiến sĩ) phải mất 1/4 thế kỷ. Nhưng vấn đề ở đây không phải là bao lâu mà là lượng kiến thức, con người sau khi được đào tạo ra như thế nào?
Bạn tôi thường bông đùa rằng “giáo dục nước ta đang ở mức phổ cập giáo dục đại học” bởi vì ở Việt Nam có quá nhiều trường đại học, cao đẳng. Và số lượng thì tỉ lệ nghịch với chất lượng. Chất lượng đào tạo đang là vấn đề “đáng báo động”.
Tôi dùng từ báo động ở đây là vì phần lớn những sinh viên được đào tạo thành cử nhân khi ra trường đều không thể làm được việc, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Nhiều giảng viên cao cấp có học hàm, học vị cao lại không mặn mà lắm với việc giảng dạy. Một giảng viên có học vị tiến sĩ khi lên lớp chúng tôi đã thẳng thừng bày tỏ quan điểm rằng: “Cô chỉ muốn lên lớp cho những lớp sau đại học, mỗi buổi lên lớp của cô có giá là vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, thay vì lên lớp của các em chỉ vài chục nghìn đồng”.
Tôi nghĩ rằng đại học là nơi truyền bá những tri thức khoa học, cần có những nhà giáo giàu kinh nghiệm và tri thức uyên thâm để giảng dạy. Có như vậy người học mới thấy yên tâm và thoải mái tiếp thu, bởi họ tin rằng đại học là bậc giáo dục cao nhất, nơi có những nhà giáo hàng đầu giảng dạy…
>> Xem thêm: Tương lai đầy lo sợ vì chưa tìm được việc
Hoàng Hiệp
Chia sẻ bài viết của bạn về con đường học hành tại đây.