Xưa, quân tướng thắng trận trở về, vua ban lụa vàng, nhân dân trăm họ xếp hàng đợi nhận lễ. Việc ban thưởng cho người có công thời đó chẳng có gì trái đạo lý cả.
Nay, người ta cũng học theo, nhưng tiếc là học không nổi. Xưa tiền nhân ban thưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ còn trước khi ra trận chỉ có chén rượu đào tiễn biệt. Nhưng tự bao giờ, người ta sinh ra cái thói "thưởng trước", lại có cả câu "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", thế thì ai mà không khôn cho được. Ai cũng muốn khôn, thành ra dại cả.
Tôi cho rằng nên thưởng sau, bởi như vậy người ta mới cố làm tốt để được thưởng, thậm chí thưởng hậu. Thưởng trước, người ta vẫn làm, vẫn có trách nhiệm nhưng làm sao được như thưởng sau. Tôi nghĩ đã ăn no, chẳng ai muốn đứng dậy đi làm nữa.
Con người sinh ra ai cũng có lòng tự trọng, chẳng qua do thấy tự trọng thì thiệt thân, đâu đâu cũng vậy, nên dần dần người ta đánh mất nó lúc nào không hay. Nhiều trường hợp vào bệnh viện thấy tiêm thì đau, sinh đẻ đợi mãi không đến lượt, bên cạnh đó lại có những người được chăm sóc rất cẩn thận, tận tình người ta mới ngẫm lại thì ra họ "có cái gì đó khác", chắc hẳn "phong bì" đi trước.
Học sinh, sinh viên học giỏi nhưng điểm vẫn thấp hơn các bạn khác hoặc điểm lớp mình thấp hơn lớp bên cạnh cho dù học lực không khác nhau, người ta cũng hiểu "chắc hẳn có gì đó khác".
Đến cửa quan, có người được hẹn mai quay lại, mình thì lại hẹn tuần sau mới được quay lại, có khi quay lại vẫn không giải quyết được gì… người ta chắc mẩm "hẳn có gì đó khác".
Những trường hợp tôi nhắc ở trên là một thực trạng đáng buồn cần loại bỏ gấp trong vô số những "chuyện thường ngày ở huyện" mà chúng ta gặp phải trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên tôi mong mọi người đừng nản lòng, xã hội vẫn còn những "hạt sạn trong sạch" đâu đó quanh ta.
Tôi nghĩ những chuyện ấy xảy ra chẳng riêng gì ở ngành giáo dục, mà ngành gì cũng vậy. Tôi mong người giáo viên, công chức, hãy có chút tự trọng khi nhận phong bì, nếu có công thì hãy nhận quà còn chưa làm gì có ép chết cũng không được nhận. Nếu cương quyết từ chối thì chẳng ai ép chúng ta nhận được hết.
Có lần tôi bị bệnh phải đi viện, gặp được một bác sĩ nhân từ, dù tôi chẳng có quà cáp gì nhưng vị bác sĩ ấy vẫn nhiệt tình chữa trị cho tôi.
Sau khỏi bệnh, tôi luôn nhớ ơn người đã cứu giúp mình. Tôi mặt mày hớn hở, bê quà lớn đường hoàng đi cửa chính bệnh viện để biếu bác sĩ, chẳng ai nghi kị lời ra tiếng vào, vị bác sĩ cũng vui vẻ nhận quà để liên hoan cùng đồng nghiệp. Lúc ấy chẳng ai còn phải lén lén lút lút nữa.
Tôi hy vọng học sinh, bệnh nhân, người có công chuyện…, đến chốn cửa quyền, xin hãy bỏ thói "thưởng trước". Ai ai cũng bỏ thói quen ấy sẽ lấy lại được tục thưởng sau như tiền nhân ngày trước. Xin đừng vì cái lợi một lần mà mất cái lợi trăm năm của đất nước. Xong việc hãy nhớ ơn báo đáp, lúc đấy đường hoàng mà đi, người tặng không thấy giả dối, kẻ nhận không phải thẹn lòng.
Các em học sinh nên coi trọng việc học, không nên quá trọng việc đỗ đạt, điểm chác… Tôi cho rằng điểm không cao không có nghĩa là học dở mà kiến thức nắm được bao nhiêu mới là quan trọng.
Tôi nghĩ không phải giáo viên nào cũng muốn nhận tiền của các vị trong những ngày lễ. Giáo viên là nghề nhân đức, người ta có lòng tự trọng, nhận tiền của các vị rồi tối về người ta suy nghĩ, dằn vặt và rơm rớm nước mắt. Thay vì phong bì chi bằng nhận được một bông hoa bên đường, một lá thư, một cuộc điện mà lòng người giáo viên thấy được an ủi, chứa chan hạnh phúc.