Khi vận tốc tối đa của cao tốc TP HCM - Trung Lương được nâng từ 100km/h (62,5mph) lên 120km/h (75mph) vào ngày 28/2, tôi đã nghĩ ngay đến việc phải viết bài này.
Đối với đa số người tham gia giao thông, được lái xe nhanh hơn đồng nghĩa với việc tiết kiệm thời gian hơn, đó là một điều tốt. Thế nhưng, nếu xét về mặt kỹ thuật thì “nhanh hơn chưa hẳn là tốt hơn”.
Là một kỹ sư cầu đường (civil engineer), tôi biết rằng trước khi xây một cao tốc, các kỹ sư đã dùng các số liệu như số lượng phương tiện giao thông, loại phương tiện và vận tốc tối đa làm đề bài để thiết kế.
Bên cạnh đó, còn có cả việc tính toán những thông số khác như tải trọng, loại nhựa đường cho lớp trên cùng (độ ma sát), hành lang bảo vệ an toàn (bên trái và bên phải), bảng hiệu giao thông, độ dài của làn tăng tốc, đường kính của khúc cua ngang, đường kính của khúc cong đứng, độ nghiêng của mặt đường và một số chi tiết khác...
Nếu bây giờ vận tốc tối đa bị nâng lên có nghĩa rằng những gì đã được xây dựng trên cao tốc đó không còn phù hợp nữa. Vậy cao tốc TP HCM - Trung Lương có vận tốc thiết kế ban đầu là bao nhiêu? Tại sao có sự khác nhau giữa vận tốc tối đa bây giờ và trước kia?
Chúng ta không nên tự ý nâng vận tốc cao hơn vận tốc thiết kế ban đầu vì nó đã được tính toán cẩn thận. Tuy thiết kế nào cũng có hệ số an toàn, nhưng mục đích của nó là để bảo vệ chúng ta trong những trường hợp xấu nhất, chứ không phải trong những điều kiện giao thông hàng ngày.
Tuy nhiêu, nếu xét thấy cần thiết phải thay đổi, các cơ quan quản lý cần tiến hành những nghiên cứu và đánh giá ngay trên cao tốc đó để có sự đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Mặt khác, cho dù tốc độ thiết kế ban đầu của cao tốc TP HCM - Trung Lương là 120km/h (75mph) thì tôi cũng cho rằng đơn vị quản lý cần xem xét lại. Khi so sánh cao tốc của ta với những cao tốc tương tự ở Hoa Kỳ (2 làn xe + 1 làn khẩn cấp), vận tốc của chúng ta cao hơn họ từ 16km/h (10mph) đến 24km/h (15mph) mặc dù cao tốc của họ có nhiều tiêu chí an toàn hơn và (đa số) phương tiện giao thông của họ tốt hơn…
Tôi xin nêu ra một vài trường hợp có thể xảy ra trong giao thông. Ví dụ như trong một tai nạn giao thông nào đó, vận tốc quá cao sẽ làm cho phương tiện giao thông hoặc vật thể từ phương tiện đó bay qua làn đường ngược chiều và bị một chiếc xe khác đang lao tới với vận tốc 120km/h đâm phải.
Hoặc, một chiếc xe cố gắng tăng tốc trong một làn tăng tốc quá ngắn, khi nhập vào làn giao thông chính, vận tốc của chiếc xe đó mới chừng 50km/h- 60km/h, một chiếc xe khác đang chạy 120km/h đâm vào từ phía sau.
Hay, một chiếc xe đang chạy với tốc độ 120 km/h không nhìn thấy rõ bảng chỉ dẫn, đến khi nhìn thấy bảng thì gần như đã chạy quá lố lối ra (exit) và tài xế vẫn cố gắng bẻ lái để cố đưa xe vào lối ra, xe lộn nhiều vòng… Các ví dụ trên cho chúng ta thấy sự thay đổi vận tốc có liên quan mật thiết đến thiết kế của cao tốc.
Hãy thay đổi trước khi có chuyện không hay gì đó xảy ra rồi mới thay đổi.
Một số vấn đề khác liên quan đến an toàn trên cao tốc cũng khiến tôi quan tâm đó là ý thức và kỹ năng lái xe tốc độ cao của các cô, bác, anh, chị. Hẳn chúng ta đã nhiều lần bắt gặp một số bạn lái chậm nhưng cứ thích đi vào làn ngoài cùng mà không biết rằng họ phải nên đi ở làn bên phải.
Bên cạnh đó, còn có một số tài xế lại cho xe chạy vào làn khẩn cấp (emergency) một cách ngang nhiên, xe giường nằm thì cứ lao tới và bóp kèn như hung thần xa lộ, thói quen đeo dây an toàn (seat belt) của tài xế và hành khách vẫn chưa có…
Theo cá nhân tôi, vận tốc tối đa của cao tốc TP HCM - Trung Lương nên giữ nguyên ở mức 100km/h (62.5mph) cho cả 2 làn xe: xe tải và container là 80km/h và phải chạy ở làn bên phải; vận tốc tối thiểu phải được nâng lên khoảng 70km/h (43.75mph); mức độ sai lệch vận tốc cho phép là 10%; buộc tất cả hành khách và tài xế phải đeo dây an toàn khi đi vào đường cao tốc. Và cuối cùng, phạt nặng những tài xế cố tình vi phạm vận tốc nhiều lần.
Sự an toàn của các bạn là hạnh phúc của chúng tôi.
>> Xem thêm: Cao tốc TP HCM- Trung Lương: Phát hiện nhiều sai sót nghiêm trọng
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.