Gần đây, nhiều tờ báo đưa tin về việc trong sách giáo khoa lịch sử hệ Phổ thông trung học không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có ý kiến giải thích rằng, tên ông đã được nhắc đến trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 12, và theo quan điểm của người viết sách, chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc là công lao của tập thể chứ không đề cao vai trò cá nhân. Điều này đã gây nên làn sóng phản đối, bất bình trong dư luận. Và thêm một lần nữa giải thích cho việc vì sao học sinh ngại học và thi môn lịch sử. Hậu quả là, dân ta mà không thuộc sử ta.
Khoảng tháng 4-2013, có một phóng sự về việc học sinh của một trường cấp 3 xé giấy trong đó có đề cương môn sử thả xuống sân trường khi biết tin môn sử không nằm trong kỳ thi tốt nghiệp. Tại thời điểm đó, có nhiều ý kiến phản đối, lên án hành động của các em và kết luận, quy chụp cho các em về ý thức, đạo đức xuống cấp.
Tôi cho rằng, đó hoàn toàn là phản ứng bình thường của tuổi mới lớn. Đừng đổ oan cho lịch sử và cũng đừng quá nâng cao quan điểm, quy chụp tư cách các em. Thời nào cũng vậy, học trò thì luôn luôn nghịch ngợm. Câu "Nhất quỷ, nhì ma thứ ba học trò" có từ thời các thầy tôi. Tôi cho rằng với cách dạy yêu cầu học sinh học thuộc lòng một mớ kiến thức hàn lâm như thế này, chả riêng gì môn sử, mà bất cứ môn nào học sinh cũng thấy chán học.
Giả sử Bộ giáo dục và đào tạo không đưa môn Văn vào các môn cơ cấu thi tốt nghiệp, thì rất nhiều em học sinh thi các khối khác không có môn văn cũng sẵn sàng bỏ qua môn học này. Đọc các bài văn đạt điểm cao trong các kỳ thi đại học ngày nay, tôi nhận thấy người chấm thi thiên về đúng hơn là hay. Tôi nghĩ, văn phải được viết ra từ cảm xúc chân thực, đặc biệt là ở tuổi các em. Đừng gò các em quá vào khuôn khổ của các bài văn mẫu, sẽ thành sáo rỗng và rập khuôn.
Trên thực tế, có rất nhiều cử nhân hay kỹ sư đại học ra trường không viết nổi một thư ngỏ để xin việc, thậm chí không viết nổi một đơn xin việc. Chỉ có điều, văn thì dễ “bịa” hơn sử, vì theo cách dạy hiện nay, sử đòi hỏi độ chính xác ở các số liệu, sự kiện, nên các em thích thi văn hơn thi sử, chứ không hẳn các em thích học văn hơn học sử, đơn giản vậy thôi.
Thời chúng tôi học, thi tốt nghiệp chỉ có 4 môn, tôi nghĩ như thế là đủ. Thậm chí, theo tôi, đến thời điểm này, không cần phải tổ chức thi tốt nghiệp làm gì, vì thi rồi có mấy ai trượt đâu? Nhiều trường nào, nhiều tỉnh đỗ gần 100%.
Học hết cấp 3, mỗi em sẽ được cấp một giấy chứng nhận đã học xong chương trình PTTH là đủ. Trên giấy chứng nhận sẽ ghi kết quả học tập trên đó để phân loại. Hãy để các em thấy học là một nhu cầu, là sự vui thích hơn là nghĩa vụ.
Tôi nhớ hồi học cấp 2, cô giáo chủ nhiệm lớp tôi dạy văn và kiêm luôn dạy sử, giảng về bài nguyên nhân chiến tranh thế giới thứ 2, cô nói ngắn gọn: Đức, Ý, Nhật đánh Anh, Pháp, Mỹ đó là nguyên nhân của chiến tranh thế giới thứ 2. Lên cấp 3, học lại bài này, cô giáo hỏi câu hỏi cũ, tôi nhanh nhẩu giơ tay trả lời đúng như đã học hồi cấp 2 làm cả lớp cười ồ. Cô giáo phân tích một loạt nguyên nhân căn bản, nguyên nhân sâu xa mà đến giờ tôi chịu không thể nhớ được gì, nhưng bài học của cô giáo tôi hồi cấp 2 thì đến nay tôi vẫn nhớ.
Đến tuổi này, lịch sử Việt là môn cực kỳ hấp dẫn đối với tôi, Một thời gian dài, những cuốn về lịch sử là sách gối đầu giường, nhưng nói thật, tôi không sao nhớ được ông vua nào lên ngôi năm nào, chỉ biết khoảng đó thôi. Như hết Đinh đến Lý, hết Lý đến Trần, hết Trần đến Hồ, hết Hồ đến Lê… Trái lại, các câu chuyện về lịch sử thì rất dễ nhớ và luôn làm tôi hào hứng tìm kiếm.
Chúng ta có thế không nhớ chính xác thiệt hại của hai bên cũng như năm tháng diễn ra chiến tranh, nhưng nhắc đến Lý Thường Kiệt không ai không nhớ đến bài thơ thần nổi tiếng của ông; nhắc đến Ngô Vương không ai không nhớ đến câu chuyện cọc gỗ bịt đầu sắt mai phục ở sông Bạch Đằng tạo nên chiến thắng lẫy lừng; nhắc đến Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người ta nhớ nhiều và ngưỡng mộ ông là vị tướng tài ba, ba lần đánh tan quân Mông Nguyên với bài 'Hịch tướng sĩ' nổi tiếng, mà đến hôm nay vẫn nóng hổi tính thời sự…
Nhưng người ta cũng sẽ nhớ và mãi mãi tôn thờ, kính trọng ông ở đức độ của ông qua những câu chuyện cảm động về lần “tắm hòa giải” với người em họ Trần Quang Khải, hay chuyện ông từ mặt người con trai Trần Quốc Tảng khi có ý muốn ông làm điều phản nghịch.
Và mai đây, nếu người ta đưa tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào trong sách giáo khoa lịch sử thì hẳn người ta phải kể đến quyết định tài tình của ông từ việc thay đổi chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” sang chiến thuật “Đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm nào. Vậy thì chúng ta có nên bắt các em phải nhớ chi tiết con số thiệt hại trong từng trận đánh? Từng ngày sinh của các vị tướng?... Nếu học để làm nhà nghiên cứu, hay giảng dạy thì cũng cần học kỹ, còn nếu chỉ học để biết lịch sử thì hãy coi lịch sử là những câu chuyện kể, tôi tin các em hứng thú nghe hơn nhiều.
Các em có thể không thuộc chi tiết các chiến dịch của thời kỳ chống Mỹ, nhưng những cuốn nhật ký như 'Mãi mãi tuổi 20' của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, hay 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm' thì các em đã truyền tay nhau đọc. Đó là một thực tế. Tôi cho rằng, câu chuyện về dạy và học ở đất nước nhỏ bé và đông dân này, vấn đề viết gì, bỏ gì, dạy gì, học gì, thi gì sẽ là cả một câu chuyện dài kỳ và thuộc trách nhiệm của nhà quản lý.
Xét cho cùng, dù thế nào thì tính hiệu quả vẫn phải đặt lên hàng đầu. Tôi hoàn toàn đồng ý với một số ý kiến cho rằng, lịch sử học để hiểu biết chứ không nên bắt phải thuộc lòng, phải nhớ từng chi tiết nhỏ, tất nhiên ai có nhu cầu nhớ và nhớ được (những em thi khối C chẳng hạn) thì chúng ta khuyến khích.
Lịch sử là câu chuyện cực kỳ hấp dẫn, chả thế mà những bộ phim chiến tranh, những bộ phim cổ trang vẫn luôn thu hút người xem đó sao. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, nếu dạy sử và học sử dưới dạng những câu chuyện, những giai thoại thì chắc chắc sẽ thu hút được sự đam mê, khám phá của các em, mà như thế là thành công rồi. Và để có được sự đam mê ấy, những nhà viết sách trước hết hãy viết đúng bản chất, tôn trọng lịch sử.
>> Xem thêm: Học môn Sử 'chán ngắt, như vẹt và đầy áp lực'
Lê Đình Đáp
Chia sẻ bài viết của bạn và dạy và học môn lịch sử tại đây.