Việc mở rộng khổ đường 1m nâng cấp lên 1,435m sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan, mở lối thoát cho bài toán giao thông Việt Nam.
Việt Nam có nhiều lợi thế về đường sắt
Thế giới coi đường sắt (ĐS) là một loại hình “giao thông Vua”. Các cường quốc chọn loại hình này làm phương tiện chủ lực vì tính năng tốc độ cao, an toàn, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, tiết kiệm nhiên liệu, chở được hàng siêu trường, siêu trọng mà tất cả các loại phương tiện vận tải khác không thể nào làm được.
Nước ta có tuyến ĐS xuyên Việt chạy dọc theo chiều dài đất nước. Đó là kho tài sản quốc gia vô giá. Nếu được mở rộng, hiện đại, tăng giá trị gấp 5 - 10 lần hiện nay thì không thể có một thứ phương tiện nào sánh nổi.
Hiện nay, do bề rộng đường ray chỉ 1 mét, mô men kháng lật thấp nên được xếp vào loại ĐS tốc độ thấp, dưới 80 km/h, tốc độ bình quân không thể vượt quá 50 km/h, mọi nỗ lực cải thiện để tăng tốc đều thất bại vì đã chạm giới hạn cảnh báo nguy hiểm.
Hành trình Hà Nội - TP.HCM sẽ không thể nào vượt qua nổi 30 giờ. Năng lực vận tải hiện nay chỉ đạt 16 triệu hành khách/năm, 0,63% thị phần vận tải hành khách, 1,3 thị phần vận tải hàng hóa.
Thế giới coi ĐS khổ 1 mét là “rác công nghệ" cần phải loại bỏ, chỉ giữ lại một ít làm Bảo tàng ĐS cổ. ĐS quốc gia của ta chỉ rộng có 1 mét hiện đã quá lạc hậu.
Nếu bỏ đi khác nào ta vứt đi tài sản 30 tỷ USD, giữ lại khác nào ta ôm “của nợ”. Nay ta không bỏ nhưng để có “chiếc áo mới” công nghệ 1.4354 cần có cách làm hợp lý, huy động nhiều nguồn lực như ta đã từng thành công với công trình đường dây 500 KVA Bắc Nam.
Bài học từ đường dây 500 kVA
Công trình đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp 500 kV có tổng chiều dài 1.487 km, kéo dài từ Hòa Bình đến TP.HCM nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa từ miền Bắc để cung cấp cho miền Nam và miền Trung lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ của ba miền thành một khối thống nhất.
Công trình được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công vào ngày 5/4/1992, tổng lực huy động 12.000 người do các đơn vị quân đội gồm Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3; nhiều đơn vị xây lắp tại 14 tỉnh thành đường dây đi qua; các đơn vị chuyên ngành cầu đường, các đơn vị xây dựng cầu đường địa phương...
Với công trình đường dây tải điện này, Việt Nam đã giải quyết cơ bản vấn đề khủng hoảng điện năng trên toàn quốc, ghi vào kỳ tích lịch sử nước đầu tiên trong ASEAN có hệ thống “trục năng lượng quốc gia”.
Đó là bài học lớn để Việt Nam có một “trục giao thông quốc gia” bền vững. Thi công trên đỉnh Trường Sơn chót vót rất khó mà còn làm được, thì “dùng ĐS để mở rộng hiện đại ĐS” sẽ không có trở ngại lớn.
Đây là kế sách tối ưu, nhất định mang lại thành công. Tin vào chuyên gia giỏi, sức mạnh đại đoàn kết, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm thì “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”!
Ước mơ 100% đường sắt quốc gia tiêu chuẩn
Giải pháp kinh tế kỹ thuật là phải mở rộng khổ kỹ thuật ĐS từ khổ 1 mét qua 1.435 mm. Mô men kháng lật của khổ 1.435 mm gấp 2,94 lần so với khổ đường 1 mét. Có nghĩa rằng độ an toàn của ĐS khổ rộng gấp 3 để có tốc độ cao 150 - 200 km/h! Biện pháp kỹ thuật thi công là vừa mở rộng ĐS nhưng không làm gián đoạn hoạt động giao thông. Đây là bí quyết thực hiện thành công kế hoạch mở rộng ĐS.
Việt Nam đang dư thừa sắt thép - xi măng, các nhà máy chưa tìm được đầu ra, nhân lực lại dồi dào với hàng trăm binh đoàn thi công cơ giới của Bộ GTVT, Bộ xây dựng, các sư đoàn công binh Bộ quốc phòng...
Đây sẽ là một dịp tốt để trí thức Việt Nam cùng các tầng lớp nhân dân, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm công dân trước lịch sử. Nếu đúng như vậy, chỉ sau 1 năm, chúng ta sẽ ghi vào kỳ tích lịch sử nước đầu tiên trong ASEAN có 100% ĐS quốc gia tiêu chuẩn.
Sau khi mở rộng xong, trước mắt chúng ta chạy tốc độ thường 100 đến 140 km, hành trình Bắc Nam sẽ là 12 -15 giờ, đó sẽ là kỳ tích lịch sử của ĐS xuyên Việt.
“Trục giao thông quốc gia” bằng ĐS quốc gia tốc độ cao 150 - 200 km/h sẽ là một cú đột phá kỳ diệu nhất; xóa sổ vĩnh viễn ĐS công nghệ lạc hậu khổ 1 mét; tăng thị phần vận tải để giảm thiểu quá tải ùn tắc tai nạn giao thông; giảm tải để cứu đường bộ (đặc biệt là quốc lộ 1A); tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, an toàn môi trường...
>> Xem thêm: Thử tính bài toán kinh tế đường sắt cao tốc
Ts. Trần Đình Bá
Chia sẻ bài viết về đường sắt Việt Nam tại đây