Tôi năm nay 33 tuổi, gia đình đông con, bố mẹ lại làm nông nên chúng tôi phải quanh năm dưa cà cho qua bữa. Đến mùa thu hoạch xong thì cũng là lúc trong nhà không còn hạt lúa nào, vì trong thời gian chờ đến mùa, nhà tôi phải vay mượn của người ta để trang trải cuộc sống nên khi có lúa phải bán để trả nợ.
Tôi lớn lên như cỏ dại mọc ngoài rừng, cha mẹ đầu tắt mặt tối nên không có thời gian mà dạy học cho con. Tôi biết chăn trâu từ ngày còn học lớp 1, mỗi ngày một buổi đến lớp, một buổi chăn trâu. Lúc đó, một đôi dép nhựa, một bộ quần áo mới đối với tôi là một giấc mơ lớn. Nồi cơm của chúng tôi lúc nào cũng phải độn thêm khoai, ngô hoặc sắn nhưng vẫn không đủ no.
Tôi đi học với khăn lau bảng là những mảnh vải cũ mẹ may lại rồi bỏ vải vụn vào bên trong, áo mưa là túi ni lông bên trong bì phân urê. Nhìn bạn bè có giỏ xách nhiều ngăn, khăn lau bảng là miếng xốp và áo mưa được mua ngoài chợ khiến tôi luôn mơ ước mình cũng có được những thứ như vậy.
Thiếu thốn về vật chất, nhưng bù lại tôi lại được ban cho sự thông minh. Tôi luôn là đứa học giỏi nhất trường làng. Lên cấp 3, tôi được lên phố học, ngày đó thật vất vả, cuộc sống của tôi thiếu đủ thứ nhưng tôi không hề thua kém bạn bè về việc học. Kết quả cho những nỗ lực là tôi thi đậu vào hai trường đại học danh tiếng ở TP HCM.
Ngày bước chân vào thành phố nhập học, hành trang của tôi là những bộ đồ cũ. Khó khăn, thiếu thốn chính là động lực để tôi cố gắng. Trong suốt những năm học đại học, tôi luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh đi làm thêm. Tôi không nề hà bất kỳ công việc gì từ: gia sư, phục vụ quán nhậu, phụ hồ, bán hàng… Đã có nhiều lúc tôi nghỉ học để đi làm chỉ mong kiếm được thật nhiều tiền.
Ngày đó học phí chỉ 600 nghìn đồng/học kỳ, nhưng đó là một khoản tiền lớn đối với tôi. Đã có những lần tôi không đủ tiền để đóng học phí nên khi bước vào phòng thi tôi rất sợ bị đuổi ra ngoài. Nhưng rất may chuyện đó đã không xảy ra.
Những ngày khó khăn nhất cũng qua, tôi ra trường và lập nghiệp ở Sài Gòn với tài sản là chiếc xe đạp cọc cạch. Đã có lúc tôi muốn về quê cho gần bố mẹ, nhưng về quê sẽ làm gì? Chẳng lẽ phải bỏ 250 triệu ra để xin một chân giúp việc quèn ở tỉnh hay sao? Số tiền đó tôi lấy đâu ra?
Ở lại thành phố chắc chắn sẽ vô cùng vất vả, nhưng về quê càng không lối thoát. Tôi quyết định ở lại thành phố, sau hơn 10 năm cố gắng làm việc tôi đã có được những thứ mà lúc còn là sinh viên có mơ cũng không dám nghĩ đến.
Nếu ngày đó tôi về quê thì không biết bây giờ tôi có được cuộc sống như bây giờ hay không. Hơn nữa, nếu về quê mà không có quen biết, không có người chống lưng sẽ khó mà tồn tại lâu được.
Tôi yêu mảnh đất Sài Gòn này, nơi đã cho tôi có ngày hôm nay, đã nuôi lớn rất nhiều người tha phương, cầu thực. Những người con xa xứ nếu có nghị lực thì hãy cố gắng bám trụ lại, Sài Gòn là nơi có điều kiện tốt nhất để chúng ta phát triển và tạo dựng sự nghiệp.
>>Xem thêm: Băn khoăn ở Hà Nội lương 6 triệu hay về quê với vợ
Nam
Chia sẻ bài về của bạn về vấn đề đời sống, xã hội tại đây.