Nhà tôi nằm trong một con hẻm nhỏ ở quận 7, nhà này cách nhà kia chỉ 2m. Trong 6 năm qua, ngày nào tôi cũng phải chịu những cơn khạc mạnh và nhổ toẹt ra đường của người đi bộ, đi xe máy qua đã đành, đằng này tôi còn phải chịu những cái khạc cực kỳ mạnh và phun thẳng về phía nhà tôi của gia đình đối diện.
Vì nghĩ là chòm xóm nên tôi nhịn, bao năm qua, rất nhiều rác bị tấp qua nhà tôi, con cháu ị tè gì cũng dội ra đường, làm cá, mổ heo cũng mang ra đường, mùi tanh của máu bốc lên thật là ghê sợ. Không những thế, họ còn để xe máy ngay ở cổng, khi tôi muốn ra khỏi nhà phải gào to inh ỏi thì mới có người dắt xe cho tôi mở cửa...
Tôi luôn cố gắng nín nhịn và chịu đựng nhưng những lần khạc nhổ không giảm mà ngày càng tăng lên, đến mức tôi gần như phải kéo màn đóng cửa suốt để không phải bỏ dở chén cơm khi bên kia khạc nhổ toẹt tung toé như thế.
Tôi đã viết một tờ giấy A4 với nội dung "vui lòng không khạc nhổ, giữ vệ sinh chung" nhưng không hề có tác dụng mà ngược lại còn dữ dội hơn. Lúc này, tôi buộc phải bắt tại trận đứa con trai nhà này vừa khạc mạnh và nhổ toẹt một bãi ngay trước cửa nhà mình. Tôi nói: "Tại sao cứ khạc nhổ vào nhà tôi như thế? Thử khạc nhổ về phía cửa nhà mình xem cái bãi của mấy người nó kinh tởm đến mức nào". Đứa con trai trạc gần tuổi tôi ( tôi 32 tuổi) nín thinh và trơ mặt ra.
Sau lần đối mặt trên, ngoài những cơn khạc nhổ của ba cha con nhà ấy, tôi chịu thêm cơn khạc nhổ phun vèo vèo tung toé khắp nơi của bà mẹ tầm U50. Đến lúc này không thể nhịn thêm được nữa, tôi gọi bà ta lại và nói: "Tôi đã góp ý với con cô là khạc nhổ ra đường rất mất vệ sinh, cô chẳng những không khuyên chồng con cô mà cô cố tình khạc nhổ phun thêm vào nữa. Cô suy nghĩ về hành động cuả cô đi", tôi chưa nói hết câu, hết ý, hết lời thì bà ta đã nhảy chồm lên: "Tao khạc nhổ ra đường, có khạc nhổ vào trong nhà mày đâu...", rồi sau đó văng hàng loạt từ ngữ chợ búa tục tĩu bẩn thỉu từ miệng của một người đàn bà trông hình thức cũng đẹp đẽ, cũng học thức, cũng đã có cháu gọi bằng bà nội.
Sau đó thì bà ấy cứ mở cửa đóng cửa là khạc, phun, nhổ xoẹt xoẹt tung toé khắp nơi kiểu chọc tức cho bõ ghét. Con dâu bà ta còn la lối phụ hoạ thêm "nhổ ra đường chứ nhổ vào nhà nó à. Ở không được thì dọn đi nơi khác mà ở" lời lẽ thốt ra từ miệng người phụ nữ tự cho mình là đẳng cấp, thời trang, sang trọng, hợp thời hợp thế và tất nhiên là giới có ăn có học đấy.
Lúc này thì tôi mới thấy lời ông xã tôi nói là đúng: "Em nói chỉ phí lời, người không có ý thức thì nói làm gì". Tôi vào google và gõ từ "khạc nhổ", hàng loạt bài đăng hiện lên, người người phản ứng mạnh với muôn vàn kiểu khạc nhổ khác nhau. Đọc mà ngậm ngùi.
Sắp tới ngày thế giới phòng chống lao, tôi mong các cơ quan báo đài tuyên truyền nhiều băng rôn, khẩu hiệu không chỉ ở các đường lớn mà cả các con hẻm nhỏ về nạn khạc nhổ bừa bãi để thức tỉnh con người hãy sống, bảo vệ môi trường, vì một thế giới ngày mai không hổ thẹn với bạn bè quốc tế.
Tôi khẩn khoản mong nhà nước ban hành chế tài để xử phạt nghiêm những hành động làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con em chúng ta và cả chính chúng ta.
Khạc nhổ thì không ai cấm nhưng nên vào nhà vệ sinh còn nếu lỡ ở ngoài đường thì tìm nơi có thùng rác để nhổ hay đơn giản là nhổ vào mảnh giấy rồi tìm thùng rác để bỏ. Một hành động nhỏ mà đẹp vô cùng.
>> Xem thêm: Câu chuyện đáng xấu hổ vì du khách Việt ở Ý
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.