Sau khi đọc các bài báo về sinh viên và việc sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường, tôi có vài kinh nghiệm của chính gia đình mình muốn chia sẻ với các bạn, đặc biệt là những bạn sinh viên dù đang học hay mới ra trường để rút kinh nghiệm cho bản thân mình trong và sau quá trình học.
Tôi đã tốt nghiệp và đi làm được 6 năm. Cả hai vợ chồng tôi đều quê ở tỉnh lẻ học xong và lập nghiệp ở Hà Nội, có công việc tốt. Hiện tại, chúng tôi đều có các em đang đi học. Hai đứa đang học cao đẳng, một đứa học nghề. Cả ba em đều ở cùng vợ chồng tôi, vợ chồng tôi hỗ trợ tài chính (vì gia đình hai bên vợ chồng tôi đều làm nông nên bố mẹ không có điều kiện hỗ trợ). Tôi đã theo sát bước chân của các em tôi từ khi học cấp 3 đến giờ là năm cuối cao đẳng.
Em gái thứ nhất học một năm đại học rồi bỏ, học lại cao đẳng. Ba năm cấp 3, em học khá nhưng không bộc lộ năng khiếu cũng như sở trường cụ thể. Em chỉ nói chung chung là học tốt ngoại ngữ, nhưng ở quê cũng chỉ học ngữ pháp nên cũng rõ ràng tốt như thế nào. Em thi trường ngoại ngữ bị trượt.
>> 'Cử nhân thất nghiệp nhiều vì nhà tuyển dụng đố kỵ và thiếu trách nhiệm'
Sau khi tham khảo ý kiến nhiều người, tôi quyết định cho em học kế toán đại học vì nghĩ hợp với con gái, ổn định lâu dài. Nhưng sau một năm học, em bộc lộ những biểu hiện như không thích đi học, thường xuyên viện cớ nói dối tôi nghỉ học, về nhà không học bài, chỉ ngồi vẽ.
Vì sợ tôi mắng nên chỉ dám nói với mẹ tôi là không thích đi học kế toán. Tôi không mắng, không trách mà chỉ hỏi lại là em thích học ngành gì. Sau khi biết được em thích vẽ và vẽ nhiều (dù vẽ không đẹp chuyên nghiệp, nhưng có óc sáng tạo), tôi bảo em có thích ngành thiết kế đồ họa không? Tôi chọn trường cho em, để em sang trường một ngày để tìm hiểu về ngành. Giờ em tôi đã học năm cuối ngành Thiết kế đồ họa, rất tự giác học và có đam mê, không cần nhắc nhở. Cộng với việc tìm hiểu về thị trường lao động ngành thiết kế đồ họa, tôi cũng yên tâm hơn khi em sắp ra trường.
>> Có bằng tiến sĩ nhưng thất nghiệp vì chỉ muốn lương cao
Kinh nghiệm rút ra: Sau khi học hết THPT, nhiều học sinh vẫn chưa định hình sở trường và ước mơ. Đến khi vào đại học, nhiều em mới biết mình thích gì, muốn học nghề gì Nhưng nhiều em vì sợ mà không nói dẫn đến "cố đấm ăn xôi", học cho xong, ra trường làm trái ngành, lãng phí thời gian, tiền bạc. Vì thế nên các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan tâm việc học tập của con. Nếu các em có nhu cầu học lại thì dành thời gian tìm hiểu và định hướng, đừng gây áp lực cho con em mình. Nói không với việc làm thêm trái ngành và tâm lý sợ khổ.
Em thứ hai của tôi cũng là con gái. Ngay từ khi học cấp 3, tôi thấy em là người sôi nổi, hướng ngoại và sở trường về các môn xã hội. Tôi định hướng cho em 3 ngành là Ngoại ngữ, Quản trị Khách sạn và ngành Du lịch. Hiện em tôi đang học năm cuối ngành khách sạn và rất yêu thích ngành này. Tôi chỉ xin tóm tắt về việc đi làm thêm của em và nhấn mạnh đến yếu tố này. Ban đầu em xin tôi đi làm thêm. Tôi yêu cầu chỉ làm thêm liên quan đến ngành học, đồng thời tư vấn các bước để sau này tốt nghiệp được nhận vào các khách sạn 5 sao. Em nói đi thực tập, làm thêm ở các khách sạn 5 sao rất vất vả, lương rất thấp, chỉ hơn một triệu đồng. Nhưng tôi muốn em đi làm vì môi trường chuyên nghiệp và phấn đấu được nhận sau khi tốt nghiệp.
>> Sinh viên mới tốt nghiệp có quyền đòi lương nghìn đôla
Trong khi đó, có một bạn trong lớp em, gia đình có điều kiện, chọn đi làm thêm những công việc kiếm tiền ngay như bán quần áo, bán hàng online, phụ quán cà phê kiếm được mấy triệu một tháng. Nhưng nhóm này đa phần là nợ môn, có nguy cơ không ra được trường và phải học lại từ năm đến mười mấy môn, trong khi học phí học lại cao gấp hai lần học phí lần một. Bố mẹ không biết cứ gửi tiền lên cho con.
Khóa học 7 kỳ mà có bạn học thành 10 kỳ chưa ra trường. Hơn nữa, ngành học khách sạn, công việc là dọn phòng, lễ tân và setup. Vì tâm lý công tử, tiểu thư nên nghĩ rằng công việc thấp kém nên không đi làm thêm đúng ngành, dẫn đến bỏ học. Đi thực tập bị các khách sạn từ chối vì không có tinh thần và kỹ năng nghề nghiệp.
Trong khi em tôi nói, nếu ra trường mức lương khởi điểm ở khách sạn 5 sao là khoảng 7 triệu đồng.
Còn đứa em thứ 3, là con trai, sau khi tìm hiểu tính tình, sức học, nguyện vọng, sở thích, tôi định hướng em theo nghề đầu bếp chuyên nghiệp tại trung tâm dạy nghề (trước khi học tôi đã trực tiếp sang thăm trường và đánh giá là trường dạy uy tín).
Tôi cũng tìm hiểu về việc làm, thị trường nhân sự ngành đầu bếp thì thấy đây là nghề có thu nhập tốt. Em tôi chỉ cần học 10 tháng là ra trường, đi làm phụ bếp lương 5 triệu, sau khoảng 2 năm là 10 triệu đồng.
>> Nhà tuyển dụng có 'nhạy cảm' khi tôi học đại học dân lập?
Trong quá trình học, tôi luôn theo sát định hướng và tìm hiểu thêm về nghề này và thấy: Chi phí đầu tư cho việc học nghề so với học đại học, cao đẳng rẻ hơn rất nhiều.
Bài có thể hơi dài, nhưng mong muốn chia sẻ với quý độc giả có con em là sinh viên và các bạn sinh viên hãy tập trung, chọn đúng ngành, làm việc đúng nghề. Đừng "đứng núi này, trông núi nọ". Sinh viên vì đồng tiền trước mắt mà đi sai chiến thuật, đến lúc nhận ra thì đã muộn.
Hãy ưu tiên việc học và chỉ làm thêm các việc liên quan đến ngành nghề mình học, đồng thời phải biết chắt chiu, tận dụng cơ hội thì mới thành công sau này. Chúc các bạn sinh viên thành công.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.