Việc thầy giáo tát vào mặt hai học trò rất mạnh dẫn đến hành vi phòng vệ bộc phát của hai nam sinh trên là điều tất yếu có thể xảy ra bất kỳ nơi đâu trên thế giới này. Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra trong câu chuyện này rất nhiều:
Trước hết đó là thái độ không tôn trọng học sinh của thầy giáo. Việc xưng hô “mày - tao” với học trò đã biến mối quan hệ thầy trò thành mối quan hệ thù địch trong hoàn cảnh lúc đó. Bạn nào chú ý lắng nghe lời thoại sẽ rõ.
Đây là hệ quả của việc quan trọng hóa chất lượng giảng dạy, thành tích học tập mà quên đi nhiệm vụ của người cha, người mẹ và người thầy phải dạy con cái, học trò học làm người.
Nền giáo dục, phẩm chất đạo đức đã dần bị nền kinh tế thị trường làm suy yếu. Điều này khiến con người chúng ta quá chú trọng vào cơ sở vật chất nhà trường, môi trường giáo dục lành mạnh như phòng ốc khang trang, sạch đẹp, có quạt máy (hay máy lạnh), có đội ngũ thầy cô giỏi có bằng cấp.
Ngôi trường ngày xưa tôi học cấp một là ngôi trường nghèo nhất Quận 1 và dĩ nhiên, học sinh cũng thuộc diện nghèo nhất. Trường tôi phải mượn phòng của nhà thờ trong phường để làm nơi giảng dạy cho học sinh.
Khi lớp có tỉ lệ học sinh trung bình kém quá nhiều, chính cô giáo chủ nhiệm đã xin với nhà thờ cho phép dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém vào buổi chiều. Tất cả học sinh trung bình kém đều phải bắt buộc đi học và hoàn toàn không thu tiền. Tấm lòng của người thầy, người cô ngày xưa là thế.
Lên cấp hai, tôi vào học một trường cũng thuộc diện nghèo nhất khối trung học cơ sở tại Quận 1. Bị một số bạn thuộc dạng lưu manh ăn hiếp, tôi đã phải dấu dao trong cặp để đề phòng. Thế nhưng ba mẹ tôi đã phát hiện, tôi không bị la mắng nhưng ba mẹ tôi đã âm thầm chuyển trường cho tôi sang trường khác học.
Học sinh cấp hai thường nổi tiếng nghịch ngợm, chọc phá bạn và nói chuyện trong giờ học… Tôi nhớ rất rõ có lần lớp học buổi chiều quá ồn ào dù cô giáo đã nhắc nhiều lần. Cô giáo tôi thường không la lối hay mắng học sinh, cô lặng lẽ bước ra hành lang khóc. Cả lớp thấy hối hận phải nhờ lớp trưởng ra xin lỗi cô và mong cô quay lại lớp giảng bài.
Đòn roi đáng nhớ nhất của tôi trong suốt quá trình đi học là bị cô giáo dùng thước đánh nhẹ vào lòng bàn tay hồi năm lớp ba, tuyệt nhiên không có kiểu tát xối xả vào mặt học sinh như trong video hai thầy trò đánh nhau như trên.
Điều đáng suy ngẫm thứ hai đó là việc thầy giáo trong clip đó còn trẻ, thiếu kinh nghiệm ứng phó tình huống, thiếu kềm chế cảm xúc bản thân dẫn đến hành vi bạo lực trong giảng dạy. Đây là hậu quả tất yếu của nền giáo dục chạy đua theo thành tích, chạy đua cơ sở vật chất mà quên đi giá trị “trồng người”.
Khi con người bị đồng tiền chi phối trong thời khủng khoảng kinh tế, sáng bước ra khỏi nhà phải có tiền mua đồ ăn sáng, đi làm về phải có tiền mua đồ ăn trưa, chiều về cũng vậy.
Bên cạnh đó, còn đủ thứ tiền phải lo như đến hạn phải đóng tiền điện, nước, điện thoại, internet, thuê nhà… Con người đã hoàn toàn bị đồng tiền chi phối, lúc này yếu tố đạo đức bị gạt bỏ, thậm chí còn có người bảo vệ chủ nghĩa đồng tiền rằng “trong sạch để cạp đất ăn à?”.
Tôi phải cầm lòng nuốt nước mắt để nó không rơi trên gương mặt của người học trò quậy phá ngày nào mà nay đã trưởng thành. Phải chăng đó chỉ là khẩu hiệu bắt buộc phải có, còn việc thực hiện thì chẳng ai quan tâm hoặc quan tâm cho có lệ?
Giá trị đạo đức của con người bỏ đi đâu khi mà tình yêu của người thầy, người cô dành cho học trò đã mất? Sự việc như trên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người làm công tác giáo dục. Nó giống như bọt nước vỡ tung trên mặt nước sôi, nhưng còn biết bao nhiêu bọt nước li ti đang chực chờ nổi lên trong nồi nước đang sắp sôi?
Ai đúng ai sai, ta có thể nhận thấy qua video clip, nhưng cốt lõi của sự việc sẽ không được xử lý nếu không có định hướng nhất định để sửa đổi.
>> Xem thêm: Vì sao thầy giáo lại đánh học sinh
Chia sẻ bài viết của bạn về bạo lực trong giáo dục tại đây