Trong clip thầy - trò đánh nhau ở Bình Định vừa rồi, người lớn nào nhớ lại mình ở tuổi ấy hầu hết sẽ dễ dàng hiểu tâm lý của em học trò khi đánh lại thầy.
Chuyện học trò đánh thầy, thời tôi học trung học, cũng suýt nhiều lần xảy ra.
Năm ấy có một thầy giáo trong trường tôi ở Phan Thiết bị bọn con trai lớp tôi rất ghét. Chúng nói thầy hay quát mắng, sai vặt học trò, thiên vị. Ghét thầy đến nỗi chúng hẹn nhau đêm nào lên trường trực tự vệ (nam sinh vào mùa hè phải lên trường ngủ đêm theo từng nhóm để canh phòng và bảo vệ trường, gọi là trực tự vệ), sẽ trùm mền đánh thầy một trận. Trùm mền thực sự để thầy không biết đứa nào với đứa nào, không kỷ luật được. Chứ thời ấy bị đuổi học xem như tương lai hấp hối, chấm dứt vĩnh viễn giấc mơ đại học hay cao đẳng, chỉ có nước về học nghề chân tay nào đó leng keng kiếm sống.
Nhưng ngoài cách trả thù trực tiếp như thế, học sinh bọn tôi còn có vô vàn cách phản kháng khác với những biểu hiện phi giáo dục của người thầy. Người lớn nghe thế chắc chắn sẽ nổi cáu lên quát cho một trận vì tụi bay dám hỗn với thầy. Nhưng làm sao có thể cư xử chín chắn đầy suy tính khôn ngoan khi chúng tôi đúng là một lũ con nít 15, 16 tuổi?
Trường học Việt Nam không có cảnh sát giáo dục, lúc ấy cũng chẳng có phòng tư vấn tâm lý học sinh để chúng tôi tìm đến trong những trường hợp như vậy. Chúng tôi bế tắc hoàn toàn. Bất cứ cách thức phản ứng nào giải tỏa được ấm ức đó mà không quá nguy hiểm (bị kỷ luật nặng, đuổi học..) chúng tôi ngay lập tức sẽ làm.
Một trường hợp khác xảy đến với tôi. Một đêm cắm trại ngoài bờ biển, tụi con gái chúng tôi nằm sắp lớp trên tấm bạt trong lều ngủ. Đang ngủ say, tôi cảm thấy bị ai đó đẩy ra rất mạnh. Mở mắt nhìn, hóa ra cô chủ nhiệm. Cô bế đứa con nhỏ ủn vào chỗ tôi đang nằm, không một lời giải thích, cũng không thèm gọi tôi dậy nhường chỗ cho con cô mà cứ thế đẩy tôi ra thật mạnh. Tôi, dĩ nhiên, rất bực tức. Trong con mắt đứa học trò lớp 10, cô là người lớn mà cư xử thật xấu, thật không công bằng. Tôi phản ứng lại bằng cách nói thẳng với cô ngay lúc đó.
Quy định mỗi học kỳ chỉ một cột điểm miệng. Học trò đều biết thế nên thường có điểm miệng rồi thì không gạo bài thường xuyên nữa vì 99% là không bị gọi (không lười học chẳng phải học trò). Điểm học kỳ mới là quyết định. Lúc đó chúng tôi cũng đã có xu hướng học lệch để tập trung vào những môn sẽ chọn thi đại học. Nhưng ba ngày liên tiếp cô gọi tôi lên trả bài. Chuyện chưa từng có! Cũng may, tôi có chuẩn bị. Cô không bắt chẹt tôi được.
Cô quay sang trò khác. Vin vào cớ tôi từ chối đi tập văn nghệ với lớp và mặc đồ đẹp khi đi lao động, cô thẳng tay phê đạo đức trung bình vào học bạ năm học đó của tôi. Thời ấy (cách đây hơn 20 năm), đánh giá học sinh dựa trên 4 tiêu chí: học lực, đạo đức, lao động và rèn luyện thể chất. Dù học lực giỏi nhưng đạo đức trung bình thì không được xếp hạng học sinh giỏi, mất phần thưởng, không được đi thi học sinh giỏi, thậm chí ảnh hưởng xấu đến cả hồ sơ thi đại học. Giáo viên chủ nhiệm năm kế tiếp và Ban tuyển sinh (thời đó mỗi địa phương có một ban tuyển sinh, làm việc xét tuyển hồ sơ thi đại học. Điểm thi cao vẫn không được vào đại học nếu hồ sơ "xấu") sẽ đặt câu hỏi: Vi phạm gì nghiêm trọng đến mức học sinh giỏi mà bị xếp đạo đức trung bình?
Giải thích thêm, đạo đức trung bình thường chỉ bị phê khi vi phạm kỷ luật khá nặng như đánh nhau nhiều lần trong trường. Lúc ấy đánh nhau là hết mức rồi, học sinh còn hiền lắm, xã hội cũng thuần, chẳng còn trò quậy phá nào hơn. Đạo đức bị phê yếu tức là ở lại lớp. Như đã nói, chúng tôi hoàn toàn bơ vơ trong việc phản ứng với giáo viên, nên sau khi lôi cả bạn bè về nhờ giải thích với cha mẹ, tôi vẫn đành chịu.
Cô ấy cũng cư xử như vậy với các bạn học khác. Không bị đánh cái nào nhưng cô giáo ấy luôn luôn là kỷ niệm xấu của lớp chúng tôi.
Có một chuyện "đánh trò" khác, nhờ ứng xử của thầy giáo tôi, lại trở thành kỷ niệm rất vui của lớp. Khi ấy tôi học lớp 8. Giờ ra chơi, bọn con trai xông vào cầm miếng vỏ quýt xịt vào mắt nhau. Chúng hăng đến nỗi không thấy thầy bước vô lớp. Thầy tôi tên Huỳnh Ngọc Phẩm, đã nghỉ hưu lâu rồi. Thầy là giáo viên dạy toán giỏi có tiếng ở Phan Thiết.
Thầy tôi liền bắt tất cả bọn con trai chơi trò đó lên đứng hàng ngang trước lớp. Một đứa khác, tôi vẫn nhớ nó tên Trung, phải cầm miếng vỏ quýt lần lượt xịt vào mặt tất cả bọn còn lại.
Ôi là buồn cười! Bọn bị phạt cười, thằng đi xịt cười, cả lớp ôm bụng cười bò. Cười lăn quay nên Trung chỉ xịt lấy lệ, cũng chẳng xịt trúng được vào mắt đứa nào.
Thầy tôi thì nghiêm nghị đứng nhìn bọn nó chịu phạt, mắt hơi cau lại nhưng miệng cũng nén cười.
Cười xong, thầy giảng: 'Mấy đứa thích xịt vỏ quýt vô mắt cho người ta cay, vậy thì phải bị xịt lại cho biết sao là cay".
Thật dễ nhớ! Tôi đã nhớ suốt đời!
Thầy tôi khiến tôi nhận ra rằng không phải hễ bị "đánh" đều là bạo lực, xúc phạm. Vì bên cạnh "đánh" còn có "đánh yêu". Cú đánh nào cũng nhằm trừng phạt, nhẹ nhất là nhắc nhở, nhưng "đánh" với tâm trạng yêu thương răn dạy, đánh cho nên người thì tôi liệt vào đánh yêu. Trẻ em và vật nuôi rất nhạy với sự tinh tế này. Những cái đánh yêu thường không gây phản ứng đối kháng mà được tiếp nhận nhẹ nhõm vì cách chúng "ra đòn" cũng nhẹ nhõm.
Còn đánh để chứng tỏ quyền lực, để bịt mồm, để đe dọa, thì chắc chắn sẽ nhận được phản lực tương tự. Không chỉ trong nền giáo dục. Tôi nghĩ thế.
>Xem thêm: Xôn xao clip thầy giáo tát học trò và bị đánh lại / Cô giáo cầm ghế phang học sinh
Hoàng Xuân
Chia sẻ bài viết của bạn về bạo lực giữa thầy và trò tại đây.