Cánh đây 13 ngày tôi cũng có chuyến đi tàu khá thú vị. Chuyện tàu trễ, cò mồi nhan nhản trước ga thì rõ rồi không cần nói tới. Nhưng điều tôi muốn nói chính là cái vệ sinh trên tàu.
Đi tàu từ TP HCM ra Huế mà tôi luôn trong tâm trạng mệt mỏi vì thiếu nước. Tôi không dám uống đủ nước như ở nhà vì rất sợ vào cái toilet của tàu. Chỉ cần ngồi cách cánh của đó vài mét cũng đủ ngửi thấy mùi hôi.
Sàn tàu thì bẩn và rác vung vãi mỗi nơi một chút, đặc biệt nếu bạn đến toa dành cho ghế cứng thì sẽ thấy tình trạng ngổn ngang.
Tôi đi một chuyến tàu ra và một chuyến tàu vào, nhưng chỉ đến khi vào tôi mới thấy có một cô nhân viên quét dọn vào buổi sáng. Cô ấy làm việc rất hời hợt, chỉ lia cây chổi qua một cái rồi đi, còn rác ở trong các gầm ghế thì cô ấy cho qua.
Nhân viên phục vụ thức ăn trên tàu Thống Nhất. Ảnh: Matthew Bennett
Chuyện ăn uống thì đáng sợ hơn rất nhiều. Ngày đầu tiên lên tàu tôi đặt một bữa cơm trưa giá 35.000 đồng. Đến giờ phát cơm, hai nhân viên kéo hai chiếc xe cũ kỹ bám đầy vết bẩn của thức ăn. Người đi trước phát cơm cho những ai đã mua phiếu từ trước, người đi sau thì múc canh được chứa trong thùng đựng đá.
Món canh lõm bõm nước với vài cọng rau được đựng trong một chiếc ly nhựa nhỏ. Canh có lúc vãi ra ngoài, lá rau dính cả vào tay người nhân viên không hề mang bao tay vệ sinh.
Với những ai chưa mua phiếu cơm trước thì sẽ có một nhân viên đẩy một xe khác vừa đi vừa rao. Khi có người mua, anh ta dùng tay có mang bao tay lấy thức ăn cho khách.
Tôi nghĩ bao tay được mang là để giữ cho tay anh ta khỏi bẩn chứ không để giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm vì cùng cái tay mang bao tay đó, anh ta lấy đồ xào, thịt, chan nước tương, canh, rồi thối tiền, đẩy xe, thậm chí khều… hành khách nếu họ đưa chân tay ra ngoài làm cản lối xe kéo!
Khi tôi lên tàu thấy nhân viên đưa đến một cái túi to rồi phát cho mỗi khách một chiếc mền. Tôi thầm nghĩ trong bụng “Thế chứ, cũng phải được mỗi người một cái mền sạch chứ.” Ai ngờ, vừa bung chiếc mền ra, mùi hôi của mền cũ bay lên khiến tôi nổi da gà.
Chặng đi, tôi chọn chiếc quần sọt lửng và áo ngắn tay cho gọn và dễ cử động. Khi xuống tàu về nhà tôi bị ngứa ngáy toàn thân, gãi đến trầy cả da. Cứ nghĩ bị dị ứng thực phẩm, tôi dùng thuốc bôi và uống thì hết.
Tám ngày sau đến khi lên tàu quay về, tôi lại bị ngứa y như lúc đi. Không biết da tôi có quá mẫn cảm với môi trường hay là do cái không gian tàu vừa chật vừa thiếu vệ sinh.
Đối với xe khách, sau mỗi chuyến về họ đều đi rửa xe, vậy còn tàu thì sao? Tôi băn khoăn không biết bao lâu họ cho vệ sinh tổng quát như lau chùi sàn, cửa hút bụi, giặt nệm ghế, thay tấm phủ bao ghế, giặt chăn mền, tổng vệ sinh bếp ăn...
Chợt nghĩ, chiếc tàu này đã được đầu tư bao lâu rồi. Ngay cửa sổ, cửa chính và các lối đi thể hiện sự cũ kỹ, bệ rạc rồi.
Một chiếc ghế có thể bán cho suốt chặn đường đi. Điển hình là một hành khách bên cạnh tôi xuống ga Phú Yên thì ngay tức thời một người khác ngồi vào để đến Đà Nẵng, rồi một vị khách khác lại thay ngay vào để đến Hà Nội.
Tôi nghe nói mùa này đi tàu sướng lắm vì tàu ế, ít khách chẳng ai đi nhiều, một người có thể nằm ra hai ghế, nhưng trên thực tế tôi thấy tàu rất đông khách, đặc biệt là tại toa ghế cứng.
Ngành đường sắt đã lấy lại vốn chưa? Giá vé tàu không rẻ, hành khách thì đông, sao vẫn chưa thấy tái đầu tư?
Cả nước Việt Nam chỉ có một công ty đường sắt, được quản lý bởi nhà nước. Nhưng thực trạng hiện nay cho thấy đó là sự quản lý yếu kém, thiếu kiểm tra. Đến bao giờ tình trạng này sẽ khắc phục được?
Hồ Xuân Thu
Chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh của bạn về giao thông đường sắt tại đây.