Trong bài viết Tuấn Anh chấn thương, bỏ ngang buổi tập U23 Việt Nam, rất nhiều người nóng vội cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến U23 Việt Nam thường xuyên dính "bão chấn thương" là giáo án của HLV Miura. Thế nhưng, thật ra không phải vậy.
Có một điều quan trọng mà chúng ta không để ý tới, đó là công tác y tế ở các CLB quá kém. Cầu thủ được chăm sóc một cách qua loa, không có máy móc hiện đại để phát hiện những vấn đề nhỏ nhất. Thậm chí, đã có rất nhiều đội bóng vì bệnh thành tích mà vẫn bắt cầu thủ ra sân rồi tiêm thuốc giảm đau.
Vì thế, mỗi khi lên tập trung đội tuyển, dưới sự theo dõi sát sao của chuyên gia Kubo Shinichi, số ca chấn thương mới được phát hiện.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà mỗi khi U23 Việt Nam hay ĐTQG tập trung, công việc đầu tiên của HLV Miura là bắt các cầu thủ đi kiểm tra sức khỏe.
Trong lần hội quân này, đang có những ca chấn thương của Duy Mạnh, Văn Dũng, Hữu Dũng, Ti Phông, Hồng Duy, Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng...
Ngoài Hữu Dũng, những cầu thủ còn lại gặp vấn đề là do vừa thi đấu ở giải U21 Quốc tế báo Thanh Niên 2015. Thậm chí Duy Mạnh, Văn Dũng, Hữu Dũng, Ti Phông chưa kịp tập buổi nào đã phải "vào thăm" bác sĩ.
Nói thẳng ra là trình độ bác sĩ ở các CLB quá yếu kém, họ chỉ đơn giản là chườm đá, xịt giảm đau rồi cầu thủ lại vào sân đá tiếp. Chẳng thế mà một ngày trước khi tập trung, Duy Mạnh, Văn Dũng, Ti Phông vẫn còn "tả xung hữu đột" trên sân Thống Nhất ở giải U21 Quốc tế.
Công Phượng gặp chấn thương hy hữu khi chống tay lúc tập luyện nên bị gãy 4 đốt ngón tay. Số 10 tuyển U23 Việt Nam vẫn sẽ tập bình thường mà không bị ảnh hưởng nhiều.
Trường hợp của Hồng Duy, Xuân Trường, Tuấn Anh thì đều theo một kịch bản quen thuộc – tái phát chấn thương cũ. Hồng Duy bị viêm cơ nhị đầu gối từ năm ngoái nhưng không được chữa dứt điểm. Nên nhớ, xen kẽ những lần tái phát là việc Hồng Duy vẫn được tung ra sân thi đấu ở V-League 2015 và mới đây là U21 Quốc tế 2015.
Xuân Trường cũng bị chấn thương hông suốt cả năm vừa qua nhưng không hiểu sao không được chữa dứt điểm. Thậm chí, tiền vệ người Tuyên Quang vẫn đá không nghỉ một phút nào ở giải U21 Quốc tế Báo Thanh Niên. Thế nhưng, sau khi hội quân cùng U23 Việt Nam thì chuyên gia Kubo Shinichi đã phát hiện ra chấn thương của anh và đưa ra phác đồ điều trị.
Trong khi đó, ai cũng thấy đầu gối phải của Tuấn Anh được băng bó suốt năm vừa qua. Trước chuyến đi Nhật Bản thử việc, tiền vệ này thừa nhận bị đau hông đầu gối, và việc tái phát ngay trong buổi tập thứ 2 của đội tuyển là điều chẳng mấy bất ngờ.
Có thể coi HAGL là đội có trang thiết bị và chăm sóc cầu thủ tốt nhất tại V-League. Thế nhưng, chuyên gia Anthony vẫn bị nghi ngờ là “hàng dởm” vì thể lực cầu thủ phố núi không được cải thiện là bao.
Có một minh chứng cho thấy công tác y tế đáng báo động của HAGL là chấn thương của Hồng Duy vào hồi tháng 3. Khi lên tập trung U23 Việt Nam, Hồng Duy được ông Shinichi phát hiện bị rạn xương cổ chân phải.
Đây là chấn thương chỉ cần được nghỉ ngơi là được. Thế nhưng khi trả về CLB, không hiểu các bác sĩ của HAGL làm gì mà sau đó khiến vết rạn… vỡ tiếp. Và như đã biết số trận của Hồng Duy ở V-League 2015 chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng chấn thương của anh thì vẫn chưa khỏi hẳn.
Hai trường hợp chấn thương của Huy Toàn và Ngọc Thắng cũng là những kiểu tai nạn “lãng xẹt” chỉ có ở bóng đá Việt Nam. Huy Toàn và Ngọc Thắng bị đau từ hồi tháng 10 khi tập trung chuẩn bị đá vòng loại World Cup 2018, thế nhưng sau đó khi trả về SHB Đà Nẵng thì không được chăm sóc kịp thời. Đến khi hội quân cùng U23 Việt Nam thì đã trở thành chấn thương nặng, và vắng mặt ở VCK U23 châu Á 2016.
Những điều trên cho thấy công tác y tế ở các địa phương là vô cùng yếu kém, lạc hậu nên chuyện lên tuyển bị phát hiện hàng loạt ca chấn thương cũng là điều không khó hiểu.
Vì thế, việc U23 Việt Nam thường xuyên trở thành “bệnh viện” là hậu quả của một nền bóng đá chuyên nghiệp nửa vời, khi mà công tác y tế ở các địa phương còn quá lạc hậu. Khi chuyên gia Shinichi làm việc kỹ càng, tỉ mỉ thì những chấn thương “thâm cung bí sử” của các tuyển thủ bị lộ ra, những chấn thương mà các bác sĩ CLB không thể tìm ra để khắc phục.
Đừng quên rằng, mỗi lần tập trung U23 hay ĐTQG chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. CLB vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chăm sóc thể lực các cầu thủ. Trước khi mổ xẻ giáo án của HLV Miura thì hãy tự hỏi vì sao chỉ một chấn thương của Hồng Duy, Xuân Trường, Tuấn Anh mà cứ tái phát đi, tái phát lại suốt một năm qua...
>> Xem thêm: Vừa tập với Miura, Xuân Trường đã lập tức dính chấn thương
Tâm thư gửi những người 'ném đá' U23 Việt Nam Họ đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu để thi đấu vì màu cờ sắc áo, vậy mà những điều đó không lay động trái tim các bạn hay sao? |
Chia sẻ bài viết của bạn về bóng đá, thể thao tại đây.