Dạo này vì ít có thời gian nên tôi không thường xuyên theo dõi thời sự, nhưng tôi lại đặc biệt quan tâm vụ hai cô giáo mầm non bạo hành trẻ. Tôi muốn chia sẻ vài điều để ít nhất các bạn có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Trước hết chúng ta phải chắc chắn một điều, không có gì để bào chữa cho tội lỗi của hai người phụ nữ đó. Họ đã xâm phạm cả thể xác lẫn tinh thần trẻ một cách nghiêm trọng, đáng trách hơn, họ lại mang danh là “giáo viên”, “bảo mẫu”, tức là những người tham gia vào công tác giáo dục. Vì thế, cách thức mà họ đã dùng để uốn nắn hành vi hay chăm sóc trẻ vừa phi đạo đức vừa phản giáo dục.
Tôi đồng tình với sự bức xúc, lên án của phụ huynh, dư luận, nhưng tôi nghĩ sau mỗi sự việc như vậy, dư luận, truyền thông không chỉ săm soi mỗi việc lên án “nhân vật tội lỗi” đó mà phải có cái nhìn đa chiều và quan trọng hơn, làm sao để ngăn chặn sự việc tái diễn.
Trong vụ bạo hành vừa xảy ra, có lỗi của phụ huynh không? Tôi xin thưa là có. Có phụ huynh hồn nhiên kể thấy con hay khóc, đêm "ngủ mớ", nét mặt sợ hãi, vậy mà vị ấy chẳng nghĩ ngợi gì.
Khi gửi con, họ chỉ biết cô Phương có bằng đại học và cũng không quan tâm cô cùng nuôi dạy con mình hàng ngày là cô Lý kia thế nào? Nhiều người đổ lỗi cho cái nghèo nên phải gửi con tại nhà trẻ đó. Thực tế, với mức học phí hơn 1,1 triệu đồng mỗi tháng, các bạn có thể gửi bé ở nhà trẻ tư khác, cơ sở vật chất có thể tương đương nhưng ít nhất con không bị “bạo hành” như thế.
Vụ việc vừa xảy ra có lỗi của các cấp quản lý không? Thưa là có. Việc kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, “giơ cao, đánh khẽ”, thiếu kiên quyết mới khiến một nhà trẻ không đủ tiêu chuẩn tối thiểu về vấn đề nhân lực kia tồn tại và gây nên sự việc đau lòng đến thế.
Qua đây, có vài điều tôi muốn chia sẻ thêm về sự việc của các cô giáo.
Thứ nhất, công việc nuôi dạy trẻ mầm non là việc nặng nhọc và áp lực kinh khủng. Nhiều bạn sẽ nói, nếu biết làm không nổi thì đừng có làm, không yêu trẻ thì đừng làm. Bạn chỉ có thể nói điều ấy khi bạn chưa thực sự trải nghiệm một ngày với một lớp chừng 20 đến 50 bé ở trường mầm non.
Tôi biết có nhiều lý do dẫn đến việc một người chọn nghề giáo viên mầm non. Có thể do họ không có việc nên đi học lớp sơ cấp, trung cấp rồi xin vào mấy trường tư thục, nhóm trẻ gia đình. Bây giờ, cách này rất dễ có việc làm.
Chính vì thế, cũng có một số cô không yêu trẻ, không đủ phẩm chất và năng lực nuôi dạy trẻ. Nhưng còn lại đa số cô giáo mầm non đều yêu trẻ, nhưng dù yêu, tôi dám khẳng định cũng có những lúc các cô “phát điên” với trẻ, có khi giận quá cũng đánh vào tay, vào mông trẻ, hoặc nhốt bé vào toilet cho sợ...
Tôi đã từng làm Khoá luận tốt nghiệp tám tháng ở một trường mầm non cách đây chín năm. Tôi thường đến 2 lần/tuần, đóng vai một bảo mẫu tại lớp Lá gồm 47 bé với hai cô giáo.
Trong lớp đó, có một cô dịu dàng, hiền lành, còn cô kia thì đúng là “dữ như cọp”, cô ta đánh trẻ rất đau, thước kẻ gõ vào tay bỏng rát, nhéo tai, tát vào mặt, có cả, hồi đó tôi rất bức xúc. Tuy nhiên, tôi thừa nhận áp lực của hai cô đó quá lớn, cô hiền lành thì sức khoẻ yếu, có khi đang dạy thì xỉu nên có bao nhiêu việc cô hung dữ kia lãnh hết.
Lớp Lá với 47 bé luôn giống như một cái chợ, các bé chỉ im lặng được chừng năm phút là giỏi, rồi các bé chạnh chọe, cấu véo nhau khóc lóc đủ đường... Giờ ăn, có năm bé ăn rất chậm, cô giáo phải đút, hối nuốt, có khi đang ăn lại ói. Hai cô đều phải dọn, chứ không có bảo mẫu phụ.
Ngày đầu đi làm về, tôi leo lên giường ngủ luôn, không ăn nổi cơm, ngủ mà còn nghe văng vẳng tiếng la hét của tụi nhỏ.
Thứ hai, phụ huynh khi gửi con tới trường cũng cần phải quan tâm bé chứ không phải phó mặc hết cho các thầy cô, đừng để khi có sự việc xảy ra thì chỉ biết trách cứ nhà trường. Sự việc hai cô giáo kia cũng có một phần lỗi của phụ huynh.
Từ đó, tôi có một số gợi ý cho các vị phụ huynh để giảm thiểu rủi ro cho trẻ. Đầu tiên, trước khi gửi con đến cơ sở nuôi dạy trẻ (trường công hay tư), các bạn nên tìm hiểu kỹ và cân nhắc.
Trường mầm non công lập hiện nay quản lý tốt, trình độ giáo viên đạt chuẩn nên việc bạo hành là rất hiếm nhưng nhược điểm là lớp rất đông, các cô cũng khó quan tâm hết trẻ, nhất là khi con bạn vốn được chiều chuộng ở nhà, có thói quen ăn chậm và kỹ năng tự phục vụ (trẻ 3 tuổi trở lên) gần như không có.
Vì thế, khả năng khi đi học, con của bạn sẽ sút cân, nếu không quá coi trọng việc cân nặng và thấy con không bệnh tật gì, tôi nghĩ bạn cũng không nên quá lo lắng khi gửi ở thời gian đầu. Dần dần, các cô rèn, con sẽ khá hơn.
Trường tư thục, nhóm trẻ gia đình thì lớp thường ít trẻ hơn, nhất là các trường quốc tế nhưng nhược điểm là học phí cao, trường tư mà học phí cũng rẻ luôn thì nguy cơ giáo có trình độ không đạt chuẩn, khâu tuyển dụng lỏng lẻo và tiềm ẩn rủi ro giống như nhà trẻ Phương Anh vừa rồi.
Hai cháu của tôi ở nhà đều không gửi trường công dù nghe nói trường đạt chuẩn quốc gia. Lý do vì lớp quá đông, giáo viên cũng chỉ có hai người, trong khi đó cháu trai nhà tôi lại mắc bệnh ăn chậm, chú ý kém và hiếu động quá mức.
Nếu gửi trường tư gần nhà thì gia đình tôi phải chấp nhận một điều, chương trình giáo dục, trình độ giáo viên hạn chế nhưng lớp ít người, chúng tôi sẽ có điều kiện nắm thông tin nhà trường và giáo viên dễ dàng, các cô thương và kiên nhẫn với trẻ hơn. Học phí tại đây thường chỉ hơn trường công chút ít, khoảng 950.000 đồng/tháng.
Tôi cho rằng với cấp mầm non, điều quan trọng nhất là trẻ khoẻ mạnh và nhiều niềm vui nên hy sinh mấy cái vụ học chữ, Aerobic, tiếng Anh, đàn... như của mấy trường công. Mỗi ngày thấy bé vui vẻ tới trường, nhắc tới cô với nét mặt hớn hở và thêm hai từ “của con” vào sau tên các cô là tôi thấy an tâm nhiều.
Tiếp theo, khi con đi học, phụ huynh nên theo dõi những biểu hiện của trẻ để có hướng can thiệp kịp thời. Dù trẻ chưa tới tuổi nói được, cũng có những cách khác nhau để phụ huynh phát hiện trẻ đang gặp vấn đề ở trường với cô, với bạn.