Nếu trẻ có những biểu hiện sau thì phụ huynh không nên bỏ qua:
Về mặt thể chất, sinh lý
Những vết bầm, lằn (kiểu nhiều sọc dọc do đánh bằng tay, thước kẻ, que nhỏ) trên má, tay, chân, mông, lưng… khó có thể là vết té ngã, cào hoặc đánh nhau, cắn nhau với bạn được.
Tôi tin nếu tinh ý chúng ta cũng có thể phân biệt được hai loại vết thương này. Nếu do cô giáo cấu, nhéo mà nói là bạn của trẻ làm thì các vị nên coi kỹ vết thương, trẻ cấu nhau sẽ ở những vị trí dễ thấy. Các cô vì muốn giấu phụ huynh sẽ cấu, nhéo những chỗ khó thấy.
Hơn nữa, vết cấu của trẻ thường nhỏ, không thể lớn được, nếu lớn thì cô sẽ là “nghi can”. Nếu trên người bé có vết nhỏ thì các bạn nên đến lớp gặp trẻ kia xem bé đó có bị vết tương tự (tức hai trẻ cấu nhau). Nếu không thì các bạn có thể gặp phụ huynh trẻ đó để tìm hiểu xem trẻ có thường có thói quen cấu bạn khi chơi hay không.
Nếu việc cấu véo tiếp diễn nhiều lần thì phụ huynh nên xem các biểu hiện khác dưới đây để biết chính xác cô giáo có phải là “tác giả” của những vết thương trên hay không.
Bé lười ăn, kém hào hứng khi tới giờ ăn ở nhà, hay nôn oẹ dù trước đó không có biểu hiện này. Nguyên nhân có thể do trẻ ăn chậm, không hợp thức ăn ở trường, vì ăn ít nên cô giáo thường ép ăn, doạ nạt, khiến trẻ “sợ ăn” hơn và ở trường do vừa ăn, vừa khóc nên bé hay nôn ọe. Về nhà dù không bị doạ nhưng hễ đưa thức ăn vào miệng thì “hản xạ có điều kiện” kia có thể xuất hiện.
Nếu bé khó ngủ, ngủ không sâu, hay mớ, khóc giữa đêm sau khi bắt đầu đi học, thì những cảnh tượng hãi hùng ở trường có thể là nguyên nhân ám ảnh trẻ.
Về mặt tinh thần, tâm lý
Mỗi sáng thức dậy trẻ thường khóc lóc, tỏ ra sợ hãi và không muốn tới trường dù những ngày đầu, mọi việc không nghiêm trọng như vậy. Khi tới trường, trẻ nắm tay hoặc ôm phụ huynh rất chặt, khi nhìn thấy cô trẻ càng khóc to hơn hoặc khi cô kêu nín khóc, trẻ nín ngay, lúc này các bạn hãy quan sát kỹ ánh mắt, nét mặt của trẻ khi nhìn cô vẫn chứa đựng sự e dè, sợ sệt.
Khi cô bế trẻ từ tay phụ huynh hoặc dắt tay trẻ, trẻ khóc thảm thiết, vùng vằng, nhoài về phía phụ huynh… Điều này có thể đặt giả thiết hoặc trẻ sợ cô vì cô hay phạt, đánh nên tìm cách né tránh việc đến trường.
Với biểu hiện này, tôi từng giúp một học viên tìm ra nguyên nhân thực sự chứng “sợ tới trường” của con gái ba tuổi của chị ấy. Thì ra bé khó ngủ trưa, gây ồn ào nên bị cô phạt nhốt vào toilet, bé khóc lóc nhưng cô vẫn nhốt 30 phút nên từ hôm sau, bé kiên quyết không tới trường.
Khi bé phạm lỗi ở nhà vì ăn chậm, không chịu ngủ… phụ huynh nên thử doạ mách cô giáo, nghe đến tên cô mà trẻ mếu máo, tỏ thái độ sợ hãi ngay lập tức thì cũng có nhiều khả năng ở trường, cô giáo đã khá nghiêm khắc trong việc trừng phạt trẻ. Nhiều bạn nghĩ rằng, trẻ nào cũng sợ mách cô. Điều này có thể đúng nhưng biểu hiện sợ khác nhau.
Cháu trai của tôi thường xuyên bị mẹ doạ “mách cô” nhưng bé quý cô, sợ cô buồn nên khi nghe vậy bé ăn nhanh hơn. Ngoài ra, bé cũng giãy nảy nói “mẹ đừng mách cô” nhưng ánh mắt, nét mặt của bé không phải là biểu hiện của sự kinh hãi, cũng không mếu máo, khóc rấm rứt hay nức nở.
Trường hợp trẻ vốn hiếu động, vui vẻ nhưng sau một thời gian tới trường thì lầm lì, ít nói, hoặc hay ăn vạ, có tính gây hấn với mọi người xung quanh. Khoảng thời gian tám tiếng “sống trong sợ hãi” ở trường có thể là lý do khiến trẻ thay đổi tâm tính.
Ngoài việc quan sát, nếu trẻ đã biết nói thì phụ huynh nên trò chuyện với trẻ về đời sống học đường mỗi ngày. Tuy nhiên, phụ huynh đừng hỏi những câu kém tế nhị như: “Hôm nay cô có đánh con không? Cô có phạt con không?”.
Thấy vết thương của trẻ các bạn đừng vội tức giận, quát tháo và hỏi trẻ: “Cô đánh con phải không? Mẹ sẽ cho cô 'biết tay'...". Điều đó, có thể gia tăng sự sợ hãi, ác cảm về cô với trẻ (dù cô đối tốt với trẻ) hoặc dẫn đến việc trẻ nói dối để khỏi đến trường, nhất là trẻ bốn tuổi trở lên.
Tôi đã từng tiếp chuyện một cô giáo mầm non ấm ức vì điều này khi bé 5 tuổi mách phụ huynh là bị cô giáo đánh dù cô ấy không hề đánh khiến phụ huynh vào trường, thẳng tay tát cô giáo trước mặt tất cả trẻ.
Thay vào đó, phụ huynh nên hỏi trẻ những câu đơn giản như: “Hôm nay con có vui không? Con có nhớ mẹ rồi khóc nhè không? Cô dạy con hát, múa bài gì? Con ăn có ngon không? Con tự xúc ăn hay cô đút? Những câu này ở nhà, gia đình tôi hay hỏi nên luôn phát hiện cháu mình có bị cô phạt hay không.
Có hôm bé tự khai, con ăn chậm, con không nuốt, cô đút nên cô mắng. Sau đó tôi mới hỏi: “Cô chỉ mắng con thôi à?” thì bé khẳng định là cô chỉ mắng thôi. Việc trò chuyện, lắng nghe trẻ cũng giúp phụ huynh có nhiều thông tin về giáo viên.
Ngày đầu cháu gái nhà tôi đi học, sợ cô giáo có dùng roi vọt, mẹ của bé về hỏi ngay những câu không được tế nhị: “Con có ngoan không? Cô có đánh con không? Cháu tôi trả lời rằng: “Con ngoan, cô không đánh con, cô đánh mấy bạn khác”.
Tôi khuyên mẹ bé tới trường nói chuyện nhẹ nhàng với cô giáo ngay, vì các bé khác đều nhỏ hơn cháu gái tôi (cháu tôi già nhất trong lớp, cả trường có một lớp gom chung từ 18 tháng tới dưới ba tuổi) nên nguy cơ các bé ấy không biết kể.
Tuy nhiên, các cô ở đó chỉ đánh nhẹ vào mông thôi chứ chưa tới mức bạo hành. Sau khi được góp ý thì không cô nào tái diễn vì hiểu rằng cháu gái tôi sẽ là “phương tiện truyền thong”.
Thỉnh thoảng các bạn nên ghé trường thăm con giữa giờ, quan sát biểu hiện của con khi ăn, khi chơi, khi tiếp xúc với cô để hình dung mối quan hệ của con với cô thế nào. Trẻ con rất trung thực và tình cảm, nếu trẻ yêu cô, tình yêu đó sẽ rạng ngời trên gương mặt trẻ.
Trên đây là vài kinh nghiệm của cá nhân tôi, mong nhận thêm nhiều ý kiến của các vị phụ huynh để có nhiều cách bảo vệ con trẻ khỏi nạn bạo hành khi đến trường.
>> Xem thêm: Video cô giáo dạy trẻ bằng dép, thìa inox / Video cô bảo mẫu trẻ tuổi đày đọa các bé mầm non
Thu Huyền
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.