Đó là câu hỏi của độc giả Small đặt ra sau khi Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo mới nhất của đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". Theo đó, Bộ Giáo dục sẽ công nhận tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả đánh giá cả quá trình kết hợp với kỳ thi cuối cấp học. Các trường đại học, cao đẳng xét tuyển dựa trên kết quả tốt nghiệp để tránh cồng kềnh, tốn kém.
Vấn đề ngay lập tức nhận được hàng trăm ý kiến của bạn đọc gửi VnExpress với nhiều quan điểm trái chiều nhau.
‘Bỏ thi đại học là tai hại vô cùng’
Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng Bộ giáo dục và đào tạo không nên bỏ kỳ thi ĐH-CĐ vì đây là kỳ thi sát hạch rất quan trọng, đánh giá năng lực của học sinh rất rõ, cũng ít có tiêu cực nhất. “Hiện tại thi đại học được đánh giá là tương đối khách quan. Nhiều con em nông dân đạt thủ khoa, điểm cao, vào được các trường đại học lớn. Nếu xét tuyển điều gì xảy ra? Tiêu cực sẽ tràn lan từ tất cả các cấp học phổ thông”, độc giả Tuấn nói.
“Bỏ kỳ thi đại học, cao đẳng là tai hại vô cùng, nói kiểu gì thì nói, sự thật là người học mà muốn thi đỗ đạt kỳ thi đại học quốc gia hàng năm chắc chắn phải nắm đủ chắc sâu rộng kiến thức nền phổ thông, dù ít hay nhiều cũng phải có chất thông minh, có tâm lý vững vàng và phải có nhiều bản lĩnh mới đỗ đạt được”, bạn đọc Trịnh Ngọc Dũng chia sẻ.
“Đúng thế, thi đại học là để loại bỏ hoàn toàn tiêu cực và đánh giá so sánh đúng thực chất học sinh. Nếu bỏ mà đánh giá theo quá trình học tập thì chẳng khác nào là đang đánh đồng học sinh với nhau, vì chẳng trường nào muốn học sinh của mình không được vào đại học cả”, nickname meocon bức xúc.
“Theo tôi bây giờ chưa phải lúc thích hợp để bỏ thi đại học, nếu muốn bỏ kỳ thi này thì phải mất khoảng 20, 30 năm nữa. Khi đó trình độ dân trí cao rồi chúng ta mới tính đến chuyện này. Bản thân tôi không muốn bỏ kỳ thi này một chút nào cả. Bởi tôi nghĩ học lực giỏi là phải đậu đại học, đó mới chính là giỏi thật sự còn mấy tấm giấy khen chỉ là hình thức để nâng nhau lên”, bạn đọc Hoang Duy tâm sự.
Nếu bỏ thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Nhiều độc giả cho rằng để giảm được sự cồng kềnh, nặng nề, tốn kém chi phí về chuyện thi cử thì Bộ giáo dục chỉ nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, siết chặt hơn trong việc quản lý và nên giữ lại kỳ thi đại học. “Vì đợt thi đó chẳng có ý nghĩa gì cả đối với học sinh, nếu lấy nó để xét đầu vào đại học lại càng không tốt. Theo tôi mấu chốt là ở đề thi chỉ ở mức cơ bản, do đó không thể đánh giá và phân loại cho nhiều trường được”.
“Khi một bài thi mà thí sinh đạt 9/10, đề thêm 1 điểm để đạt 10/10 thì yếu tố may mắn góp phần đáng kể, rồi nào là chữ đẹp, lời giải hoa mỹ ... Như vậy nó không phản ánh tốt cái mà bài thi muốn thí sinh thể hiện. Chúng ta có thể xây dựng một kỳ thi độc lập như SAT của Mỹ, tổ chức thường xuyên với thang điểm rộng, đủ để đánh giá mọi đối tượng. Bên cạnh đó, tùy mỗi trường có thể chọn các cách xét tuyển khác nhau”, độc giả Nam Vu chia sẻ.
Còn bạn đọc Quốc Văn nói: “Không nên bỏ kỳ thi đại học, bởi bỏ kỳ thi này sẽ vô tình làm mất tính công bằng và niềm tin ở các lớp trẻ. Nếu bỏ thì chỉ nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vấn nạn chạy chọt ở Việt Nam mình vẫn đang còn diễn ra rất nhiều. Thi được vào đại học đã trở thành niềm tự hào của gia đình và lớp trẻ. Tự nhiên bỏ niềm tự hào để thay thế vào đó là sự hoài nghi về tính công bằng, mất tính sàng lọc dẫn đến mất niềm tin của học sinh, mà mất niềm tin rồi thì hệ quả sẽ là gì?”.
“Tôi đồng tình với ý kiến của bạn Quốc Văn, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH chứ không thể bỏ kỳ thi đại học. Việc học hỏi các mô hình đào tạo ở các nước tiên tiến là cần thiết nhưng phải phù hợp với thực trạng giáo dục trong nước cũng như định hướng giáo dục phát triển đi theo và phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội”, bạn đọc Luong Nguyen nói.
Hãy sát với thực tế
Cùng với các luồng quan điểm trên nhiều ý kiến cho rằng đây là một ý tưởng tốt như chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tại ở Việt Nam. “Nếu bỏ thi đại học, chắc chắn nền giáo dục Việt Nam sẽ tụt hậu vài mươi năm. Vì hiện tượng mua điểm sẽ như nấm mọc sau cơn mưa và sẽ không thể kiểm soát nổi. Chừng nào Việt Nam việc tiêu cực giảm mạnh như các nước tiên tiến như: Nhật, Hàn, Mỹ... thì lúc ấy chúng ta mới đến việc xét bỏ thi tuyển đại học”, bạn đọc Tri Thien nói.
“Dự thảo thế là rất tốt nhưng cũng cần có lộ trình cụ thể, liệu chúng ta có quản lý được đến tận từng địa phương hay không? Hay đó lại là lỗ hổng của tiêu cực, trong khi đó nền giáo dục của chúng ta đang dần có những ổn định trong những năm gần đây. Theo tôi thì Bộ giáo dục nên xây dựng chương trình đào tạo sát với nên kinh tế nước nhà".
"Học đi đôi với hành, bây giờ cầm bằng cao đẳng, đại học đi xin việc các công ty cũng phải đào tạo lại. Tôi nghĩ các kỳ thi và sát hạch sẽ là thước đo của năng lực và sự cạnh tranh, nếu bỏ nó thì sẽ gây ra hiện tượng chảy máu chất xám. Hy vọng dự thảo sẽ thay đổi được toàn diện, kể cả bệnh thành tích và tham nhũng”, độc giả Duong Nguyen chia sẻ.
Bên cạnh đó cũng nhiều ý kiến cho rằng đề án cần phải có một lộ trình để nâng cao chất lượng đào tạo các cấp, không có sự phân hoá giữa các khối, trường. "Nếu làm được điều này thì mới mong xoá bỏ kỳ thi đại học được. Ngoài ra với các trường đại học có tiếng thì vẫn cần có kỳ thi xét tuyển để lọc được những học sinh giỏi thực sự”, bạn đọc Việt nói.
Còn bạn đọc Anh Vule cho rằng: “Đây là một trong nhưng đột phá mà Bộ GD-ĐT đã chủ động đề xuất. Phải làm thì mới biết được hiệu quả của nó. Không làm thì không ai có thể đoán trước được. Cái mạnh của đề xuất này là Bộ đã mạnh dạn tuyên bố là trao quyền chủ động toàn bộ cho cơ sở trong giảng dạy cả về nội dung, phương pháp. Còn bộ chỉ quản lý, giám sát theo quy định nhà nước".
"Đề án này chắc chắn sẽ cho thấy một đầu ra là nhiều trường sẽ hoạt động không kém gì các trường có chất lượng trên thế giới và ngược lại có nhiều trường sẽ chết vì không thể sớm tìm được một lãnh đạo vừa có tài năng, am hiểu, vừa có cam kết xây dựng một cơ sở đào tạo khác biệt, cạnh tranh với các trường nổi tiến khác trên thế giới. Nhưng quan trọng hơn là từ đó ta sẽ tự có những cơ sở đào tạo nhân tài thực sự cho Việt Nam”.
>> Xem thêm: 'Cô giáo nhận phong bì 100.000-200.000 đồng thì có gì là xấu'
Trần Hưng tổng hợp
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây