Đó là ý kiến chia sẻ của độc giả Thu Hiền sau khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu bỏ kỳ thi này. Theo Phó chủ tịch nước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%. "Chỉ duy nhất một năm khi thực hiện cuộc vận động 'Hai không" là thắt chặt, có trường đỗ tốt nghiệp 10 - 20%, thậm chí có lớp không học sinh nào đỗ. Liệu có thắt chặt mãi được không? Nếu 'thắt' thì phải thắt khâu quản lý, 'thắt' quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này", bà Doan nói.
Đề nghị này của Phó chủ tịch nước đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của bạn đọc VnExpress.net. “Đây là một sáng kiến hay, chúng ta nên áp dụng ngay từ năm học này, để đỡ tốn tiền cho người dân”, độc giả Le Van Phao nói.
Đồng ý với quan điểm trên bạn đọc Hang Nguyen, chia sẻ: “Nếu các bạn học sinh thi rớt TNPT đồng nghĩa với việc các bạn không có cơ hội trong tương lai, vì thế bằng mọi cách các bạn quay cóp để có thể thi đậu, kết quả là không có "chất" mà lượng cũng chẳng để làm gì. Chúng ta nên lấy kết quả của 3 năm cấp ba mà xét tốt nghiệp hoặc cho ở lại lớp. Vì việc tổ chức kỳ thi chỉ mang tính hình thức mà lại tốn kém rất nhiều”.
“Đúng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vì xu thế các nước trên thế giới không có kỳ thi này mà chỉ có hai loai: một là học 2 năm PTTH và tiếp học cao đẳng nghề, hai là học 2 năm PTTH sau đó là học đại học luôn. Kỳ thi cuối cùng mới chứng nhận thực chất học sinh tốt nghiệp. Vì thế theo tôi nên sửa ngay mới hòa nhập nhanh với thế giới”, bạn đọc nick name DanHaNoi chia sẻ.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Ảnh: NLĐ
Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp này vì nếu thế học sinh không thể đi học ở nước khác vì không có bằng. “Chúng ta phải suy nghĩ xa một chút để làm thế nào vừa đáp ứng được nhu cầu trong nước, vừa tạo thuận lợi khi con em đi du học”, độc giả Tung Dien nói.
Còn bạn đọc Dương Thanh cho biết không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, vì nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì khi học sinh vào THPT sẽ học lệch và thiên về các môn theo khối thi đại học. Lúc đó thì tư duy cũng như hiểu biết của học sinh thiếu tính đa dạng hay có thể nói hiểu biết lệch lạc.
“Có chăng chúng ta nên bỏ kỳ thi đại học, tập trung đào tạo THPT và thắt chặt đầu ra của các trường đại học thì tốt hơn. Vì lúc đó chất lượng sinh viên đại học sẽ cao hơn và ai cũng có thể theo học đúng nghĩa “học nữa, học mãi”. Bởi đầu ra khó, không ai dại gì đầu tư thời gian, tiền của vào việc học mà không đem lại kết quả”, độc giả Dương Thanh lý giải.
Còn độc giả Namgollas thì rằng nên có cuộc thi thanh lọc từ lớp 9. Nếu ai vượt qua thì tiếp tục học và thi lên đại học. Ai không vượt qua thì học văn hoá kết hợp với học nghề và những học sinh này nếu vẫn có nguyện vọng thi lên đại học thì phải cố gắng rất nhiều để sau này thi đại học với tư cách là thí sinh tự do.
“Như vậy các sinh viên đỗ đại học chắc chắn phải giỏi ít nhất là từ năm lớp ̣9. Còn các bạn học nghề thì ra trường đã có cái nghề trong tay rồi. Không còn lo thiếu thợ thừa thầy nữa”, độc giả Namgollas kết luận
>> Xem thêm: Bệnh thành tích giáo dục cao như 'núi đề cương ôn thi'
Diệp Lê tổng hợp
Chia sẻ bài viết của bạn về chuyện bỏ hay không bỏ thi tốt nghiệp THPT tại đây.