Vài tháng gần đây, nhiều vụ việc "đen" của ngành Y như giọt nước tràn ly gây nên bức xúc cho người dân trong quá trình khám chữa bệnh. Với tư cách là một người làm trong cơ sở y tế, tôi muốn chia sẻ với các bạn đôi điều về công việc của những người thăm khám bệnh diễn ra suốt ngày này qua tháng khác.
Tôi làm văn phòng tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Ngoài công việc này, tôi còn tham gia đón tiếp bệnh nhân đến khám bệnh mỗi ngày.
Năm nay tôi 30 tuổi, có hai con nhỏ, cháu lớn hiện năm tuổi còn cháu nhỏ hơn được một tuổi. Nhà tôi cách bệnh viện 6km, hằng ngày tôi phải dậy từ 5h sáng cùng vợ nấu ăn và lo cho bé lớn ăn để kịp đưa cháu đến nhà trẻ trước 7h. Sau đó tôi mới quay xe đến bệnh viện cho kịp 7h30 để bắt đầu khám bệnh.
Dù mưa, nắng, trời nóng, rét như khí hậu miền Bắc, thậm chí tắc đường, tôi đều phải thực hiện đúng lịch trình và giờ giấc trên. Bởi vậy, có nhiều lúc tới cơ quan làm việc, tôi thực sự thấy mệt mỏi và căng thẳng. Chắc không nói thì các bạn cũng biết vào giờ cao điểm, đường phố Hà Nội lộn xộn và ách tắc như thế nào?
Số lương mà tôi nhận được hằng tháng bình thường như bao nhân viên văn phòng khác và tôi khẳng định với các bạn là không có thêm thu nhập bất bình thường nào ngoài lương tháng. Nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng những ai làm trong bệnh viện đều có tiền trực, tiền độc hại và nhiều khoản hỗ trợ khác, trên thực tế, sự thật không phải vậy.
Mỗi buổi sáng, bệnh viện mà tôi đang làm thường đón tiếp khoảng 1.200 bệnh nhân, tuy nhiên lượng khách không dàn trải đồng đều mà chỉ tập trung vào khoảng thời gian từ 9h đến 10h sáng. Với văn hóa xếp hàng của người Việt thì chắc mọi người cũng có thể tưởng tượng ra sự hỗn độn và ngột ngạt tại phòng khám ra sao.
Bệnh nhân tới khám cũng rất đa dạng, phong phú. Có những người giàu có đi xe ôtô sang vài tỉ đồng, bên cạnh đó cũng có những người lao động chân tay còn bám đen bụi đất, những đứa trẻ mới sinh vài ngày trùm kín khăn bông trên tay mẹ, người dân tộc từ những bản làng xa xôi, thậm chí cả những dân anh chị xăm trổ đầy người…
Tất cả họ, mỗi người một trình độ, suy nghĩ, ứng xử và văn hóa khác nhau. Dù bệnh nhân ấy có là ai, nói năng ứng xử thế nào thì tôi cũng vẫn phải hoàn thành công việc được giao.
Trong mọi tình huống, tôi vẫn phải cố gắng giữ thái độ ứng xử tốt nhất có thể sau tất cả sức ép về cuộc sống, gia đình, công việc. Để làm được điều này trong vài ngày, vài tuần thì có thể được nhưng phải thực hiện nó suốt bao năm trời mà không một lần nào mất bình tĩnh thì tôi cam đoan là không thể.
Chỉ cần một lần không thể giữ bình tĩnh với bệnh nhân cũng có thể trở thành vết nhơ và scandal cho công việc sau này.
Các bạn đi khám bệnh thường bức xúc vì phải chờ đợi, phải đút lót phong bì… nhưng tôi cho rằng nguyên nhân thực sự xuất phát từ chính các bạn. Trường hợp này diễn ra không chỉ ở bệnh viện, mà nó có ở mọi nơi, mọi lúc, mọi công việc bởi người Việt ai cũng đều có xu hướng muốn chen lên trước và phải được ưu ái hơn người khác.
Tôi thấy các bạn không xác định rõ người mình cần phải bức xúc là ai mà vô tư áp đặt cho bản thân phải bức xúc với tất cả những người làm trong bệnh viện. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Hãy là những người bệnh thông thái, biết thông cảm để có được những điều tốt nhất cho bản thân và những người phục vụ bạn.
Tôi ví dụ “thông thái” là như thế nào cho các bạn dễ hiểu, ấy là khi bác sĩ kê đơn cho bạn, bạn đừng vội vàng hay tiếc rẻ mất công đi khám thì mua thuốc luôn tại bệnh viện hoặc suy nghĩ rằng chỉ có nhà thuốc trong viện mới có đủ thuốc bạn cần.
Các bạn hãy bình tĩnh cầm đơn đó về nhà, lên Google kiểm tra tên thuốc. Hầu như các thông tin về loại thuốc đó đều có trên các trang mạng. Mọi người nên xem xét kĩ và gạch bỏ những loại thuốc đắt tiền mà công dụng của nó chỉ là thuốc bổ.
Bác sĩ có quyền kê đơn nhưng bạn có quyền lựa chọn mua hay không, điều ấy chứng tỏ bạn là một bệnh nhân thông thái. Tôi cho rằng việc tra thuốc còn dễ hơn lên Facebook tám chuyện với bạn bè.
Nếu bạn đã lớn tuổi hoặc không hiểu biết gì về mạng internet thì các bạn có thể nhờ con, cháu hay bất kỳ ai kiểm tra, tìm hiểu dùm. Khi bạn chủ động trong đầu về mọi việc khi đi khám bệnh, bạn sẽ chẳng thấy bức xúc gì, trái lại rất thư thái như đang làm công việc hàng ngày.
Hiện nay, bệnh viện tôi làm cũng dán số điện thoại đường dây nóng như quy định của Bộ Y tế. Thực sự tôi thấy rất buồn về thực trạng một số bác sĩ cũng như bệnh nhân tự đưa nhau vào cái vòng luẩn quẩn như việc học thêm học nếm ngày nay. Chúc các bạn sẽ trở thành những người bệnh thông thái.
>> Xem thêm: Thà chịu đau, quyết không đưa phong bì cho bác sĩ / Vụ bệnh viện cắt thận bệnh nhân: Bác sĩ không sai
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.