Tôi ở tỉnh Yên Bái. Một lần sau khi bị chấn thương đa vết dao vào chân, tôi vào một bệnh viện để khâu.
Vào đây với chân đau đã được sơ cứu nhưng vẫn bị chảy nhiều máu do quá trình vận động cổ chân, các y bác sĩ khoa cấp cứu cho tôi đợi 4 tiếng đồng hồ mới khâu vết thương cho tôi.
Mỗi lần bác sĩ đi qua khám cho bệnh nhân khác tôi đều hỏi về hồ sơ của tôi bao giờ thì được khâu? Lần đầu một tay bác sĩ trả lời, bác sĩ trưởng khoa đi mổ chưa về. Lần sau hỏi thì bác sĩ đi ăn cơm chưa về, lần sau nữa hỏi thì bác sĩ đang nghỉ trưa chưa dậy.
Nản quá tôi không hỏi nữa thì hồi lâu sau ông bác sĩ kia cùng một phụ tá gọi tôi vào phòng phẫu thuật hỏi về tiền lương của tôi, trong câu từ có nhiều gợi ý phải đưa tiền thì làm mới êm.
Tôi vờ đi như không nhận thức được ngầm ý của họ. Không có tiền 2 gã bác sĩ này đè tôi ra "khâu sống" khi mà liều thuốc gây tê mới chỉ vừa được tiêm vào chân tôi chưa đầy 5 giây.
Từng mũi khâu tôi cảm thấy nhói đâu trong tâm hồn mình cho những kẻ lương y khát tiền. Vừa làm 2 gã vừa hỏi thế có đau không? Tôi thản nhiên trả lời: "Đau nhưng còn nhiều nỗi đau hơn thế này trong tôi".
Đấy các bạn thấy đấy tôi dũng cảm vượt qua nỗi đau để phần nào cho những kẻ bạc nhược kia hiểu rằng dù tôi có tiền nhưng tôi sẽ dành cho những người nghèo khó chứ một xu cũng không cho những kẻ bẩn thỉu này của xã hội.
Người Việt Nam luôn có trong mình tố chất dũng cảm chịu được roi vọt của kẻ thù tàn ác thì nay có mũi tiêm thôi cũng phải phong bì thì uổng quá. Nạn phong bì vì thế mà nhanh chóng trở thành quốc nạn. Riêng tôi, tôi chẳng dại gì mà đưa phong bì cho những lương y như thế.
>> Xem thêm: Những sai lầm về chuyên môn của bác sĩ Cát Tường.