Bạo lực học đường là điều mà lúc nào chúng ta cũng phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Mới đây, nhiều học sinh 12 tuổi lao vào đánh đập một bạn nữ dã man. Cả xã hội lên án gay gắt, rồi người ta tìm cách đổ lỗi cho nhau, nào là do giáo dục không nghiêm, do gia đình không biết dạy con, cô giáo chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra, do nhiều thứ khác nữa...
Người ta quên rằng nhà trường, gia đình và xã hội có trách nhiệm giống nhau khi giáo dục một con người, xã hội liệu đã tốt đẹp khi ngoài kia người lớn còn chưa gương mẫu, gia đình liệu đã hoàn thành trách nhiệm khi nuông chiều thái quá những đứa con cưng của mình.
Khi một điều gì đó xảy ra, người ta đổ tội lên cho giáo dục, cho thầy cô giáo không tốt. Chính tâm lý đó của những bậc phụ huynh không những làm hại con cái mình, mà còn giết chết trách nhiệm và niềm tin của chính các thầy cô. Phải làm sao đây khi nói học sinh không nghe, quát nạt học sinh coi thường, nhẹ nhàng học sinh lấn tơi, mắng mỏ và nạt nộ để học sinh tốt hơn và biết sợ thì bị xã hội lên án gay gắt...
Những bậc làm cha, làm mẹ ai chẳng thương con. Hồi bé, đứa trẻ bị ngã vì vấp phải cái ghế, bố mẹ chạy vào xuýt xoa, đòi đánh chừa cái ghế, mà cái ghế nó có lỗi gì đâu. Nhưng kệ, cái ghế phải bị phạt trong ánh mắt vui vẻ và hả hê của đứa trẻ.
Lớn lên, đứa trẻ vấp ngã, chúng sẽ đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh. Và người lớn lại tìm cách "đánh chừa" mọi thứ có thể. Có ai dạy cho đứa trẻ rằng: Cái ghế nó bất động, và chính con vấp ngã vì con không nhìn thấy nó chứ không phải cái gì khác. Vậy lần sau, con hãy nhìn thật kỹ và đừng bao giờ vấp ngã vì nó nữa.
Vậy đấy, người lớn làm hư trẻ con, tình thương của bậc cha mẹ làm khổ con cái mình.
Người ta đổ vấy cho nhau mọi lỗi lầm mà quên mất rằng đã đến lúc chúng ta phải dạy con cái biết cách chịu trách nhiệm đối với những hành động của mình.
Đạo đức suy thoái, con người ta hỏi nhau trách nhiệm là do đâu. Trong trường các em có được học đạo đức không? Có chứ. Cấp một học môn Đạo đức, cấp hai và cấp ba học Giáo dục công dân. Nhưng có ai quan tâm đến môn đó đâu, ai cũng coi là môn phụ vì đơn giản là chẳng bao giờ thi đại học môn ấy cả. Nếu được chọn, tôi sẽ đổi tên môn Giáo dục công dân ở cấp ba thành môn "Kỹ năng sống", đưa nó vào thi đại học ngay lập tức.
Sống phải có kỹ năng
Phải sống thế nào cho đúng, cho phải đạo làm người... Sống để yêu thương nhau, để biết cái đúng cái sai, biết trân trọng quá khứ, sống tốt ở hiện tại và hướng tới tương lai. Đã đến lúc chúng ta ngừng đổ lỗi cho nhau, hãy để các em tự chịu trách nhiệm với hành động của chính mình.
>> Xem thêm: Bạo lực học đường: Nỗi đau và bất lực
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.