> Luật giáo dục đại học cần điều chỉnh phù hợp với thực tế
Hiện nay dường như mọi người đang chạy theo áp lực vì điểm số, thành tích trong giáo dục. Điều này chỉ làm cho học tập là sự đau khổ, chứ không phải là một niềm vui.
Cách giáo dục nhồi nhét đã đánh mất niềm tin học tập của học trò. Tôi luôn tự hỏi: "Những điểm số quan trọng đến thế sao? Nó quan trọng hơn nhân cách và tính mạng một con người sao?”.
Đã có bao nhiêu vụ tự tử khi vào mùa thi ĐH,CĐ rồi nhỉ? Mọi người luôn trách các cô câu học trò tự kết liễu cuộc đời mình chỉ bởi thành tích học hành không như ý. Tại sao mọi người không trách vì áp lực giáo dục trọng điểm số hơn là thực học đã gây nên điều đó.
Nền giáo dục mà điểm số sẽ quyết định tương lai, quyết định vị trí của bản thân trong xã hội thì con người ta chạy theo nó như là điều hiển nhiên nếu muốn tồn tại.
Áp lực từ thầy cô và nhà trường cũng là một dạng bạo lực học đường. Ai cũng nói bạo lực học đường nguyên nhân là do gia đình không quan tâm. Tại sao nền giáo dục không tự nhìn lại phương pháp dạy một con người của mình.
Thầy cô, nhà trường gây quá nhiều áp lực cho học trò bằng cách dạy ghi nhớ, nhồi nhét để đạt được những con điểm vô tri, vô giác. Đó không phải là "bạo lực, là ngược đãi" với học sinh ư? Vậy tình trạng bạo lực của học trò cũng chỉ học hỏi từ người thầy, người cô mà thôi.
Cuộc sống học tập quá áp lực đến mức nhiều học sinh, sinh viên thời nay phải lảng tránh bản thân mình vào yêu đương, vào những cuộc vui và bia rượu. Họ sống và hướng đến một tương lai xa vời mà không thể nào xác định được một cách rõ ràng.
Còn nhiều học sinh, sinh viên khác thì lại dồn sức cho việc học nhưng không phải là học cho mình mà học vì sợ, sợ kỳ vọng của cha mẹ, của thầy cô,…sợ áp lực giáo dục chỉ hướng con người vào một cuộc chạy đua thành tích vô giá trị.
Hải Âu