Lê Thanh Phong. |
Có thể chỉ có Chúa hay Đức Phật mới toàn năng. Đã là con người, ai cũng có những lúc mắc sai lầm. Phẫu thuật viên cũng là một con người, mặc dù tính chất của công việc đòi hỏi anh ta không được phạm sai lầm. Nhưng bởi vì không phải là thần thánh nên thực tế phẫu thuật viên không thể không phạm phải những sai lầm trong sự nghiệp cứu người của mình.
Sai lầm có thể xảy ra từ những hoàn cảnh rất khác nhau, ngay cả trong tình huống được cho là hoàn hảo nhất. Khi cầm dao mổ trong những ca đại phẫu hay tiểu phẫu, không chỉ các bác sĩ trẻ mà đến cả những bậc thầy, không phẫu thuật viên nào dám chắc là mình có thể thành công 100% hay cam đoan là mình chưa hề phạm sai lầm trong cuộc đời. Chỉ có một loại người có thể “chắc chắn thắng, không bao giờ phạm sai lầm”, đó là những kẻ chẳng biết gì và chẳng làm gì cả.
Có thể bạn luôn muốn rằng bác sĩ đã cầm dao mổ thì không được phạm sai lầm, còn nếu cảm thấy không an toàn, không sẵn sàng thì đừng mổ. Bạn hoàn toàn có lý và có quyền đòi hỏi như vậy. Nhưng cuộc sống đâu lúc nào cũng đơn giản như thế, đâu có ai có thể biết trước tất cả những gì có thể xảy ra, đặc biệt sơ suất trong ngành y thì đúng là “sảy một ly đi một dặm”.
Mặt khác, nếu chúng ta đòi hỏi tính tuyệt đối của ngành y thì cũng nên đòi hỏi tính siêu tuyệt đối ở những ngành nghề khác ví dụ như tài xế, phi công, khí tượng thủy văn, nghề giáo, nhà văn, những nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo. Bởi lẽ, nếu đem ra cân đo một cách “sòng phẳng” thì: sai lầm của một bác sĩ sẽ gây tàn tật hay tử vong cho một con người, trong khi sai lầm của những ngành nghề khác, mới xem qua thì đơn giản nhưng lại có thể gây cái chết cho nhiều người, thậm chí có thể gây nên sự "tàn tật" trong tư tưởng của cả một thế hệ, sự tồn vong của một dân tộc, một đất nước.
Vậy những ngành nghề khác có phạm sai lầm không? Bạn có bao giờ dám đòi hỏi họ tuyệt đối không được sơ suất? Bạn có chắc là chính bạn không phạm sai lầm, chắc chắn thắng, tuyệt đối đúng? Tôi thì chỉ tuyệt đối tin vào một điều đó là "không có gì là tuyệt đối" và cũng tin rằng các bạn cũng nghĩ như vậy. Vậy tại sao chúng ta lại đòi hỏi một phẫu thuật viên cũng là con người giống như chúng ta tuyệt đối không được phạm sai lầm?
Ở Mỹ hằng năm có khoảng 400 bác sĩ tự tử, con số này cao hơn hẳn so những ngành nghề khác. Nguyên nhân chủ yếu là áp lực trong công việc, sự quá tải, kiệt sức, mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân và sự cạnh tranh giữa các đồng nghiệp... Theo ước tính, con số thực tế còn cao hơn nhiều vì có thể nhiều vụ tự tử xảy ra giống như một tai nạn.
Những người làm trong ngành y ở nước ta cũng phải gánh chịu áp lực công việc không thua kém. Các bạn không cùng ngành, nếu muốn biết thật sự nhân viên y tế vất vả như thế nào thì hãy cùng thức với chúng tôi một đêm. Hãy thức trắng đêm cùng các bác sĩ trực cấp cứu, trực ngoại khoa, sản khoa, hồi sức, tim mạch ở các bệnh viện để biết công việc áp lực như thế nào. Hãy đến vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết để thấy được sự khác biệt, trong khi những ngành nghề khác có thể về sum họp với gia đình thì những người làm nghề y vẫn ở đó để hoàn thành sứ mệnh được xã hội giao phó.
Hãy cùng chúng tôi chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, tiếp xúc những nguy cơ lây nhiễm bệnh tật như HIV, viêm gan B, C, lao phổi, cúm gia cầm... Hãy vào phòng Xquang để thấy được nguy cơ nhiễm phóng xạ làm biến đổi kiểu gene có thể di tật cho thế hệ con cháu, thậm chí gây bệnh ung thư cho cả nhân viên y tế. Hãy vào phòng mổ để thấy cảnh máu chảy, xương gãy, thịt nát... để hiểu được nghề y có phải là thực sự một nghề trong mơ mà các bác sĩ là thiên thần và tuyệt đối không được sai sót?
Bên cạnh đó, bạn hãy ghé vào các trường y để thấy cảnh các bác sĩ tương lai nằm học, ngồi học, ăn học, ngủ học ở các giảng đường, thư viện... để hiểu rằng trở thành một bác sĩ không hề đơn giản. Hơn nữa, để trở thành một bác sĩ ít phạm sai lầm sẽ vất vả như thế nào, sẽ đánh đổi những gì.
Sau khi cùng thức với chúng tôi, hy vọng các bạn sẽ nghĩ khác. Tôi tin các bạn sẽ hiểu ngành y là một ngành khó, vất vả và các thầy thuốc phạm sai lầm như một tai nạn nghề nghiệp là một điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu như vậy thì chúng ta cũng không nên phủ nhận quan điểm rằng tùy trường hợp cụ thể mà nên có một thái độ khách quan, có một cái nhìn nhân văn hơn, vị tha hơn và nghiêm túc về những tai nạn nghề nghiệp của ngành y.
Trong thời gian gần đây, trong lĩnh vực y tế nước ta đã xảy ra rất nhiều vụ tai tiếng, làm tàn phế và thương vong cho nhiều người bệnh. Có thể kể ra một số trường hợp nổi cộm như vụ trẻ tử vong sau tiêm vắcxin Quinvaxem, tử vong cả mẹ và con sản phụ ở nhiều địa phương, vụ làm giả các xét nghiệm tại bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), bác sĩ Cát Tường ném xác bệnh nhân xuống sông, và nhiều vụ tai tiếng khác. Những sự việc như vậy đã làm mất hình ảnh tốt đẹp của người bác sĩ, làm mất lòng tin của nhân dân vào ngành Y tế.
Không có gì có thể biện minh cho các sai sót trầm trọng đã xảy ra và những bác sĩ sai phạm sẽ phải chịu hình phạt theo quy định của ngành y và theo pháp luật tuỳ theo mức độ. Tuy nhiên chúng ta cần phân biệt hai tính chất sai phạm khác nhau: Sai sót do vô tình, do hạn chế về chuyên môn hay do cố ý, ác tâm.
Theo tôi, những sai phạm do ác tâm, cố ý cần được trừng trị đích đáng theo pháp luật. Còn ngược lại do vô tình, do chuyên môn chưa tới hay vì gặp những trường hợp hiếm hoi đặc biệt thì cần được cân nhắc. Khi ấy, công luận nên bình tĩnh để có những đánh giá một cách khách quan, nên tìm hiểu xem người bác sĩ gây nên sai sót chuyên môn đó có phải là con người thiếu y đức, đặt quyền lợi cá nhân lên trên tính mạng bệnh nhân hay không. Bên cạnh đó, cần xem xét những gì người đó đã cống hiến, đã làm cho ngành, cho bệnh nhân trước đây.
Chúng ta nên để những chuyên gia có kết luận chính thức về bản chất, mức độ sai phạm của sự việc trước khi có những nhận xét, những kết luận mang tính cảm tính chủ quan. Nếu không làm thế, biết đâu ta lại phạm sai lầm đúng như điều mà chúng ta đã không cho phép các bác sĩ làm, đó là làm tan nát cuộc đời của một con người tốt và cả gia đình họ.
Về vấn đề này, tôi có thể kể ra một số ví dụ: Ngày 2/10 năm nay, thi thể bác sĩ chuyên khoa sản ở Bệnh viện Montbéliard ở Doubs (Pháp) đã được tìm thấy trong tư thế treo cổ tự vẫn tại nhà riêng. Vị bác sĩ này đã bị cho là phạm phải sai sót nghề nghiệp trong 2 ca mổ về sản khoa. Trước đó, bác sĩ ấy bị yêu cầu điều trần về chuyên môn để giải quyết vụ kiện về hành vi gây thương tích không cố ý cho một bệnh nhân nữ 44 tuổi, chị này bị tổn thương một bên niệu quản khi được cắt tử cung từ 3 năm trước. Vụ tự tử của vị bác sĩ 60 tuổi này xảy ra vài ngày sau khi các phương tiện truyền thông địa phương phát đi lời kể của một nhân chứng cáo buộc bác sĩ cắt tử cung đã làm tổn thương bàng quang của bệnh nhân.
Vào mùa xuân năm 2010, cái chết của một nữ bác sĩ gây mê tại Pháp đã gây nên sự tiếc thương sâu sắc cho các đồng nghiệp và nhân viên trong Bệnh viện Đại học Montpellier, nơi mà nữ bác sĩ xinh đẹp này nổi tiếng về sự tận tâm và trình độ chuyên môn cao.
Nguyên nhân là do trước đó, nữ bác sĩ Éric Delous bị quy trách nhiệm làm liệt 2 chân của một em bé do cho kê thuốc quá liều. Gia đình của bệnh nhân đã làm đơn kiện. Vị giám đốc bệnh viện, người không phải là bác sĩ, đã đình chỉ công tác bác sĩ Éric Delous. Với sức ép từ gia đình người bệnh, ban giám đốc bệnh viện và dư luận, nữ bác sĩ 31 tuổi đã tự kết liễu cuộc đời và để lại một bức thư tuyệt mệnh trên máy tính, trước khi nguyên nhân ca tai biến được làm sáng tỏ.
Trên đây là những ví dụ có thể cho thấy tác động khủng khiếp của dư luận và truyền thông với các vấn đề nhạy cảm của ngành y tế. Cái chết thương tâm của 2 bác sĩ trên đã xảy ra trước khi các chuyên gia có kết luận chính thức về nguyên nhân tai biến của bệnh nhân, trách nhiệm của bác sĩ về chuyên môn và mức xử lý sai phạm. Chính dư luận xã hội đã kết tội các bác sĩ này thay cho hội đồng chuyên môn và quan toà. Hậu quả là nước Pháp đã mất đi 2 bác sĩ một cách đầy tức tưởi, một gia đình đã mất đi một người cha, gia đình khác mất đi một người con gái, các bệnh nhân cũng mất đi ít nhất một người bác sĩ tốt.
Trong những trường hợp trên phải chăng dư luận và ban giám đốc bệnh viện đã gián tiếp gây nên cái chết thương tâm của 2 bác sĩ - những người chưa chắc đã có tội?
>> Xem tiếp
Lê Thanh Phong