Biết đâu trong sự nghiệp "đâm mấy thằng gian", các bạn đã vô tình làm tan nát một cuộc đời, một gia đình hay gián tiếp gây nên cái chết cho một người tốt. Nên nhớ rằng dưới ngòi bút của các bạn là số phận một con người, là cuộc sống của cả gia đình với những đứa con nhỏ có niềm tin và sự hãnh diện về người cha của họ.
Hãy để cho con của những con người tốt lỡ sai sót có cơ hội nhìn thấy cha của họ sửa chữa sai lầm, được tiếp tục cống hiến cho xã hội sau khi trả đúng và đủ cái giá phải trả cho sai lầm cả về nghĩ đen và nghĩa bóng.
Trở lại câu chuyện của bệnh nhân bị cắt nhầm quả thận ở Cần Thơ vừa qua. Tôi không có ý định bàn về đúng sai ở đây, bởi đó là việc các nhà chuyên môn đang làm. Vấn đề tôi muốn chia sẻ là dưới góc độ chuyên môn nghề nghiệp và lòng vị tha, tính nhân văn trong câu chuyện.
Tuy hiện tại không còn làm việc ở Cần Thơ, song tôi đã có hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất đầy tình nghĩa này, do đó tôi cũng biết khá rõ về bác sĩ đã gây ra sai sót đáng tiếc vừa qua. Từ trước đến nay, trong mắt các đồng nghiệp, anh ấy là một bác sĩ giỏi, là một người trí thức đa tài, có hoài bão lớn, là tấm gương sáng trong học tập, phấn đấu và đạo đức nghề nghiệp.
Bác sĩ lưu loát cả hai ngoại ngữ Anh, Pháp và đi tiên phong trong lĩnh vực Niệu khoa kỹ thuật cao tại Cần Thơ từ hơn chục năm trước. Bản thân anh từng được học tập cùng các vị giáo sư hàng đầu của miền Nam như giáo sư Ngô Gia Hy, giáo sư Trần Văn Sáng khi còn làm bác sĩ nội trú về Niệu khoa tại các bệnh viện lớn ở TP HCM. Anh đã giúp xây dựng được nhiều mối quan hệ quốc tế, từ đó giúp ngành y ở Cần Thơ nói riêng và cả đồng bằng sông Cửu Long nói chung có được những bước tiến bộ đáng kể về Niệu khoa. Ngoài ra, bác sĩ ấy còn là cán bộ giảng dạy giỏi từng được đào tạo về Niệu khoa ở Pháp và Thụy Sĩ.
Suốt nhiều năm qua, sau giờ làm việc ở bệnh viện và phòng mạch, bác sĩ ấy còn mở lớp dạy tiếng Anh cho sinh viên Y khoa, cho những bác sĩ tương lai trẻ có tiềm năng, khát khao muốn vươn lên để rút ngắn khoảng cách về năng lực của y tế địa phương với các vùng khác trong nước và trên thế giới. Nhờ đó, hằng năm có nhiều bác sĩ ở Cần Thơ thi đậu bác sĩ nội trú vào ĐH Y Dược TP HCM. Họ đã có được cơ hội vươn xa hơn trong nghề nhờ vào sự định hướng và giúp đỡ của người "đàn anh" ấy.
Cách nay vài năm, tôi có một đứa em cùng quê vừa tốt nghiệp bác sĩ đa khoa và muốn thi vào nội trú ở ĐH Y Dược TP HCM. Em này học giỏi nhưng vì nhà khó khăn phải vất vả mưu sinh nên kết quả học tập không đủ để vào nội trú, chính xác là còn thiếu 0,05 điểm. Do quá đam mê với việc học cao hơn, em này muốn dùng mối quan hệ thân tín để sửa điểm cho đủ tiêu chuẩn dự thi. Em đã tâm sự ý định với bác sĩ đàn anh ấy thì anh bỏ ra cả tiếng đồng hồ để “chửi”.
Anh ấy nói rằng: “Trên đời này có muôn vạn lối đi. Lối đi nào cũng có thể đến được với thành công nếu ta thực sự đam mê, tội tình gì phải đánh bạc cả cuộc đời, bán rẻ nhân cách cho một con đường mà chưa chắc đã là tốt nhất”. Cuối cùng “đàn em” đã nghe theo lời của “đàn anh” khuyên mà từ bỏ ý định chạy điểm. Hiện nay, vị bác sĩ trẻ ấy đã rất chững chạc và thành công trong nghề nghiệp trên con đường không phải từ gian dối.
Các bạn thử nghĩ xem, với những việc anh ấy đã làm cho ngành như thế thì đó có phải là một người yếu kém về chuyên môn không? Một người đàn anh, người giảng viên đại học luôn được nể trọng như thế có thể nào là một người vô lương tâm, không có đạo đức không? Cá nhân tôi thì hoàn toàn không tin vào điều đó.
Liên quan đến vụ việc cắn nhầm quả thận trên, vừa qua, hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế chủ trì, khẳng định bệnh thận móng ngựa là bệnh rất hiếm, chính vì thế nó đã có thể lừa được tất cả các bác sĩ có liên quan đến việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân Tú. Có thể nói, đây chính xác là một tai nạn nghề nghiệp, một sự xui rủi trớ trêu của tạo hóa khiến cho 2 con người ở 2 hoàn cảnh khác nhau phải chịu đau khổ: Một bệnh nhân bất hạnh bị thương tật nặng nề và một thầy thuốc giỏi, có nhân cách phải chịu nỗi xót xa, giày vò lương tâm, ám ảnh suốt cuộc đời. Vị bác sĩ đó có muốn việc xảy ra như thế đâu, điều mà anh ấy muốn là cứu và chữa bệnh nhân bằng mọi cách.
Hôm qua, khi vào Google và gõ từ khoá "vụ cắt nhầm thận", tôi bàng hoàng khi tìm kiếm thông tin, kết quả trong 0,29 giây có 1.270.000 bài viết, gần như tất cả đều lên án vị bác sĩ phẫu thuật. Đó là chưa kể đến biết bao nhiêu lời bình luận cay độc về và những câu chuyện trà dư tửu hậu hằng ngày ở các nơi công cộng. Qua đó chúng ta có thể hình dung một hình phạt tinh thần khủng khiếp dường nào đã đánh vào lương tri của vị bác sĩ gặp nạn đó.
Bạn có nghĩ là bạn đủ sức chịu đựng một sự đau đớn tột cùng như vậy không? Bạn có thể hình dung một con người đầy tự tin, đang ở độ chín của sự nghiệp, được rất nhiều người ngưỡng mộ, kính trọng lại đột ngột biến thành một kẻ tội đồ, để cho toàn thể đồng bào từ Bắc chí Nam khinh rẻ, mạt sát như vậy sẽ chịu đau đớn khủng khiếp như thế nào không? Với những gì thấy ở trên, một người thầy thuốc tốt, có năng lực và nhân cách như vậy có đáng phải bị “tùng xẻo” về tâm hồn như vậy không?
Tôi viết bài này với những cảm xúc có được sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn trên báo của vị bác sĩ phạm sai sót và những bài viết về vụ kiện mới đây của bệnh nhân đối với bác sĩ. Tôi muốn thể hiện quan điểm từ góc nhìn khác, không nhìn vào "nạn nhân" bệnh nhân như hơn triệu bài viết đã thể hiện mà lại nhìn vào "nạn nhân" bác sĩ, một người mà tôi biết.
Lê Thanh Phong