Theo điều 8 nghị định 87 năm 2001, kết hôn giữa những người cùng giới tính là hành vi vi phạm, bị xử phạt hành chính từ 100.000 đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, Nghị định số 110 (bắt đầu có hiệu lực từ 12/11/2013) lại không đề cập gì đến việc xử phạt hành chính đối với hành vi kết hôn hay cưới của người đồng tính.
Sau khi biết thông tin này, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) bày tỏ niềm phấn khởi và cho rằng sự thay đổi trong quy định mới là kết quả của quá trình vận động kêu gọi ủng hộ hôn nhân đồng tính ở Việt Nam trong những năm qua.
"Có thật người đồng tính được cưới nhau không hả bà con? Vậy thì tụi mình phải làm đám cưới ngay mới được", thành viên Trung Dung bình luận trên một diễn đàn dành cho người đồng tính.
Chị Thúy (26 tuổi), một đồng tính nữ ở TP HCM cho rằng "mình có quyền làm những gì pháp luật không cấm" nên chị đã lên kế hoạch tổ chức đám cưới với người yêu vào cuối năm nay.
"Vì pháp luật chưa cho phép nên mình sẽ không đăng ký kết hôn mà chỉ tổ chức lễ cưới theo nghi thức truyền thống thôi. Tụi mình đã chờ ngày này lâu lắm rồi, cả hai đang dự định làm một bữa tiệc cưới nho nhỏ mời bạn bè và người thân đến chung vui", Thúy chia sẻ khi đang tay trong tay với người yêu nhỏ hơn chị 2 tuổi.
Tuy nhiên theo các luật sư, những người đồng tính đã hiểu nhầm. Luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty luật Bảo An (Hà Nội) cho rằng, Nghị định 110 ban hành không có nghĩa là pháp luật đã công nhận hôn nhân đồng tính như nhiều người hiểu nhầm.
Thực tế, theo Luật hôn nhân gia đình 2000, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính bị cấm. Cho tới nay, luật này vẫn còn giá trị vì chưa có luật sửa đổi. Việc pháp luật không quy định xử phạt trường hợp tổ chức đám cưới giữa những người đồng tính chỉ đơn giản là hệ thống luật không coi đây là một vi phạm hành chính. Theo quy định hiện hành, kết hôn là trường hợp hai người nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng và đăng ký kết hôn. Vì thế quan hệ giữa hai người nam hay hai người nữ không được coi là hôn nhân. Việc họ tổ chức đám cưới chỉ mang tính chất nghi lễ, có thể coi là một bữa tiệc, và không ai ngăn cấm hay xử phạt.
Đây cũng là quan điểm của ông Hà Đăng, Trưởng văn phòng luật sư Hà Đăng (Hà Nội). Theo ông Đăng, Nghị định 110 của Chính phủ vừa ra đời không đề cập tới hành vi tổ chức đám cưới của người đồng tính, tức là không điều chỉnh mối quan hệ này. Điều đó nghĩa là luật pháp không cấm người đồng tính tổ chức đám cưới, nhưng cũng không có nghĩa là cho phép họ làm điều đó.
Cũng theo ông Đăng, luật chưa cấm thì mọi người có thể được thực hiện, nhưng nếu việc đó đi quá giới hạn, có yếu tố vi phạm đạo đức, ảnh hưởng đến các khách thể xung quanh (tụ tập đông người, quấy rối, gây mất trật tự công cộng...) thì cơ quan chức năng có thể yêu cầu dừng lại.
Để tránh sự hiểu lầm trong cộng đồng LGBT, hôm nay trên website của Trung tâm ICS (tổ chức thúc đẩy và bảo vệ quyền của người LGBT Việt Nam) đã giải thích rõ: Cần phân biệt rõ giữa đăng ký kết hôn (có giấy tờ đàng hoàng) và tổ chức đám cưới (chỉ mang tính nghi lễ, hình thức) là hai việc hoàn khác nhau và tách biệt.
Thật ra, từ trước đến nay luật không cấm tổ chức lễ cưới giữa những người đồng tính mà chỉ cấm đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, một vài cán bộ địa phương vẫn nhầm lẫn và xem việc "tổ chức lễ cưới" đồng nghĩa với "đăng ký kết hôn", điều này là không đúng.
Trung tâm ICS cho rằng Nghị định 110 ra đời được xem là một bước đệm quan trọng trong quá trình vận động thay đổi luật về hôn nhân đồng giới. "Như vậy tức là kể từ hôm nay, việc tổ chức tiệc cưới (không đăng ký kết hôn) giữa những người cùng giới tính là hoàn toàn hợp pháp và không còn bị xử phạt hành chính (do các chính quyền địa phương hiểu nhầm) như các trường hợp trước đây nữa. Từ bây giờ, các bạn được quyền tự do tổ chức tiệc cưới và sống chung với nhau. Nếu chính quyền địa phương có đến can thiệp, bạn có thể viện dẫn Nghị định này để lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chính mình", thông báo của trung tâm ICS trên trang mạng xã hội lớn nhất dành cho cộng đồng LGBT.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc truyền thông của trung tâm ICS cho rằng, Nghị định 110 ra đời sau khi có nhiều đám cưới của người đồng tính bị xử phạt do cán bộ địa phương nhầm lẫn giữa việc đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới. Chẳng hạn những lễ cưới đồng tính ở Cà Mau, Bình Dương...
"Về mặt cơ bản, Nghị định 87 năm 2001 là vô tác dụng, vì người đồng tính vốn dĩ đã không được đồng ý làm giấy đăng ký kết hôn ở cơ quan chức năng địa phương thì lấy đâu ra 'cơ hội' để phạm luật", ông Thảo bày tỏ.
Nhìn theo góc độ từ người làm về vận động quyền cho cộng đồng LGBT ở Việt Nam, ông Thảo đánh giá cao Nghị định 110 ở khía cạnh sẽ làm giảm sự hiểu nhầm của mọi người về đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới cũng như một lần nữa nhấn mạnh về quyền của người đồng tính, họ được quyền chung sống và yêu thương nhau.
Trước nhiều ý kiến cho rằng nếu đám cưới đồng tính tụ tập đông người, gây mất trật tự công cộng có thể bị phạt và yêu cầu dừng lại, ông Thảo nói: "Tôi nghĩ không chỉ với người đồng tính, mà với bất kỳ ai, nếu việc tổ chức tiệc tùng, lễ cưới của họ gây mất trật tự, ảnh hưởng đời sống chung của người dân xung quanh… thì đều sẽ bị xử phạt như nhau".
Thi Trân - Minh Thùy