Các thành viên công đoàn CGT tại Mobilier National, cơ quan thuộc Bộ Văn hóa Pháp phụ trách cung cấp cờ, thảm đỏ, đồ trang trí cho các tòa nhà chính quyền Pháp, sẽ không tham gia chuẩn bị lễ đón và tiệc chiêu đãi Vua Anh trong chuyến thăm cuối tuần này, công đoàn Pháp CGT ngày 23/3 ra tuyên bố.
"Chúng tôi biết rằng Vua Anh sắp thăm Pháp và lễ đón sẽ cần đến dịch vụ của chúng tôi", tuyên bố của CGT có đoạn. "Nhưng chúng tôi sẽ không cung cấp đồ nội thất hay thảm đỏ".
CGT khẳng định đã thông báo với Bộ Văn hóa Pháp rằng bất cứ yêu cầu nào về thảm đỏ, cờ hay đồ trang trí phục vụ lễ đón sẽ bị các nhân viên Mobilier National coi là "hành động khiêu khích".
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hơn một triệu người Pháp biểu tình, đình công trên khắp nước này phản đối luật tăng tuổi hưu vừa được Tổng thống Emmanuel Macron thông qua. Tuy nhiên, Điện Elysee khẳng định sẽ không để cuộc đình công của Mobilier National ảnh hưởng tới lễ đón Vua Charles III.
Loic Turpin, phát ngôn viên Mobilier National, cũng trấn an rằng các nhân viên cơ quan không tham gia đình công sẽ phục vụ lễ đón.
Vua Charless III cùng Vương hậu Camilla sẽ thăm Pháp từ ngày 26/3 đến 29/3. Họ sẽ thăm bảo tàng Musee d'Orsay, dự lễ đặt vòng hoa tại Khải Hoàn Môn và dự quốc yến tại cung điện Versailles ở Paris. Thảm đỏ dự kiến được trải ở các địa điểm này.
Pháp là quốc gia được cố Nữ hoàng Elizabeth II, thân mẫu của Vua Charles III, đến thăm nhiều nhất. Bà thông thạo tiếng Pháp và rất nổi tiếng ở nước này. Nữ hoàng từng thực hiện 5 chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp vào các năm 1957, 1972, 1992, 2004 và 2014.
Chuyến thăm sắp tới của Vua Charles III diễn ra trong bối cảnh Anh - Pháp nỗ lực cải thiện quan hệ sứt mẻ bởi Brexit. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình, đình công chống luật nâng tuổi hưu trên toàn quốc gần đây có thể gây trở ngại đáng kể cho chuyến thăm.
Cuộc đình công của nhân viên vệ sinh môi trường khiến hàng nghìn tấn rác chất đống dọc các đại lộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thủ đô Pháp. Giới phê bình cho rằng tình hình "không thể tồi tệ hơn".
Chính quyền Tổng thống Macron hôm 16/3 kích hoạt Điều 49.3 trong hiến pháp để vượt quyền quốc hội, phê chuẩn luật cải cách hưu trí. Điều 49.3 cho phép chính phủ có thể thông qua một dự luật sau khi họp nội các mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện.
Luật cải cách hưu trí Pháp nâng tuổi nghỉ hưu ở nước này từ 62 lên 64 vào năm 2030 và yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu. Các cuộc thăm dò chỉ ra 2/3 dân Pháp không đồng tình với đạo luật.
Phe đối lập sau đó kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ Pháp tại quốc hội để phản đối nhưng bất thành. Sau khi luật được thông qua, người Pháp liên tục đổ xuống đường biểu tình phản đối, với hàng trăm người đã bị cảnh sát bắt.
Tổng thống Macron tuyên bố sẵn sàng chấp nhận mất lòng người dân. Ông nói tôn trọng các công đoàn và quan điểm đối lập, nhưng lên án những hành vi bạo lực hay đe dọa nhằm vào giới chức. Ông kêu gọi người biểu tình dỡ bỏ chướng ngại vật trên đường phố để Pháp "trở lại bình thường sớm nhất có thể".
Đức Trung (Theo AP, AFP)