"Một công dân Mỹ trong lúc tham quan Khu An ninh Chung (JSA) khi chưa được phép đã vượt qua Đường phân giới quân sự sang Triều Tiên", Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) cho biết hôm nay. UNC không nêu danh tính người này. Truyền thông địa phương cho biết sự việc xảy ra lúc 15h27 (13h27 giờ Hà Nội).
JSA, còn được biết với tên làng đình chiến Panmunjom, nằm ở phía tây của Khu phi quân sự (DMZ), dải đất dài 250 km và rộng 4 km phân chia hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Đây là nơi duy nhất Hàn Quốc và Triều Tiên có thể "mặt đối mặt" gặp nhau và Seoul cũng cho phép mở tour du lịch tới khu vực.
Theo UNC, công dân Mỹ có thể đã bị giới chức Triều Tiên bắt giam. "Chúng tôi đang làm việc với Quân đội Nhân dân Triều Tiên để giải quyết sự việc", cơ quan này cho biết thêm. UNC, do Mỹ dẫn dắt, phụ trách giám sát tình hình ở DMZ.
CBS News dẫn lời các quan chức Mỹ nói công dân này là binh nhì Travis King, vừa rời trại giam quân đội ở Hàn Quốc và đang bị áp giải về nước chịu kỷ luật. Sau khi qua cửa an ninh sân bay, King bằng cách nào đó đã quay ngược trở lại và nhập vào một đoàn du khách trước khi vượt biên sang Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bày tỏ quan ngại, cho biết giới chức "đang theo dõi sát tình hình và tìm cách thông báo cho thân nhân binh sĩ", nhưng không nêu danh tính cụ thể.
Giới chức Hàn Quốc, Triều Tiên chưa bình luận về sự việc.
Một du khách trong đoàn tham quan nói khi họ đến làng đình chiến, "người đàn ông đó cười lớn 'ha ha ha' rồi chạy xuyên qua các ngôi nhà". "Tôi ban đầu nghĩ đó là một trò đùa dở tệ. Khi anh ấy không trở lại, mọi người bắt đầu phản ứng và mọi thứ trở nên điên rồ", người này nói.
Nhân chứng không nhìn thấy có binh sĩ Triều Tiên ở hướng người đàn ông chạy. Nhóm du khách lập tức được đưa về Nhà Tự do trong JSA để lấy thông tin, trước khi lên xe buýt trở về.
"Tôi kể lại vì điều này thực sự khiến tôi bị sốc", nhân chứng cho biết thêm. "Trên đường ra xe, chúng tôi đi qua một điểm kiểm soát... Ai đó nói rằng chúng tôi đi vào 43 người và chỉ có 42 người đi ra".
Hàn Quốc và Triều Tiên trên lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến 1950-1953 kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình.
Bộ Ngoại giao Mỹ từng ban cảnh báo đi lại, cấm công dân đến Triều Tiên "do nguy cơ bị bắt và giam giữ trong thời gian dài". Lệnh cấm được triển khai sau trường hợp sinh viên Mỹ Otto Warmbier đến Triều Tiên du lịch nhân dịp năm mới nhưng bị bắt vào tháng 1/2016. Triều Tiên sau đó tuyên án 15 năm lao động cải tạo với Warmbier, cho biết cậu đã thừa nhận lấy trộm biểu ngữ tuyên truyền trong khu vực dành cho nhân viên tại một khách sạn ở Bình Nhưỡng.
Tháng 6/2017, Triều Tiên thông báo Warmbier rơi vào tình trạng hôn mê sau khi bị ngộ độc thịt và được uống thuốc an thần. Triều Tiên thả Warmbier về nước ngày 13/6/2017 dựa trên "cơ sở nhân đạo". Gia đình thông báo Warmbier qua đời 6 ngày sau đó và an táng con trai.
Như Tâm (Theo Yonhap, AFP)