Tại Cincinnati, Otto Warmbier được biết đến như một ngôi sao ở trường, một người bạn tốt và một người con cưng.
Nhưng trên mạng xã hội và một số trang tin, Warmbier đã trở thành đề tài tranh cãi.
Với một số người, Warmbier trở thành một ví dụ về "đặc quyền của người da trắng". Họ cho rằng Warmbier đáng trách vì thiếu thận trọng và "tự chui đầu vào rọ" khi nghĩ rằng mình không cần phải tuân thủ luật pháp tại nước ngoài. Warmbier bị bắt với cáo buộc ăn trộm biểu ngữ tuyên truyền tại khách sạn ở Bình Nhưỡng.
Ngay cả tại Cincinnati - quê nhà của Warmbier, khi Warmbier mới bị bắt, một nhóm Facebook cũng chỉ trích mạnh mẽ sinh viên này.
"Đừng ra nước ngoài và vi phạm luật pháp rồi nghĩ rằng bạn đặc biệt vì bạn là người Cơ đốc giáo và da trắng", một người nói.
"Tôi hy vọng cậu ấy học được một bài học. Đặc quyền không tồn tại ở nước ngoài", một người khác viết.
Trước khi Warmbier được thả, một bài viết của Huffington Post năm 2016 chỉ trích Warmbier đã được chia sẻ hơn 6.400 lần, thu hút sự chú ý của toàn quốc.
Chỉ vừa tháng trước, Salon đã đăng bài báo: "Đây có thể là gã sinh viên tự cao tự đại ngốc nghếch nhất của nước Mỹ: Sinh viên Đại học Virginia nghĩ rằng mình có thể chơi khăm ở Triều Tiên". Bài báo hiện đã bị xóa.
Hành trình cướp đi sinh mạng của Otto Warmbier. Video: Reuters/WSJ
Sau khi Warmbier tử vong, giáo sư đại học Mỹ Katherine Dettwyler tiếp tục chỉ trích anh này, cho rằng Warmbier "gặp phải chính xác điều cậu ta đáng phải bị" và gọi Warmbier là "một sinh viên Mỹ da trắng, giàu, được nuông chiều quá mức và ngốc nghếch".
Cậu ta giống như "những đứa nhóc than vãn về điểm số vì chúng nghĩ rằng chúng không cần phải đọc và nghiên cứu tài liệu để có điểm tốt. Cha mẹ của cậu ta là những người đáng trách vì để cậu ta lớn lên với suy nghĩ rằng làm gì xong cũng có thể trốn tránh trách nhiệm", giáo sư bình luận.
"Bố mẹ của Otto sẽ phải trả giá trong suốt phần đời của họ", Dettwyler viết.
Bình luận của Dettwyler gây ra phẫn nộ lớn. Đại học Delaware, nơi bà làm phụ giảng vào mùa xuân đã tuyên bố bà sẽ không được tiếp tục giảng dạy tại trường trong tương lai.
Trên Daily Review, cây bút Joseph Curl chỉ trích giáo sư rằng "tại sao có thể đổ lỗi cho cha mẹ Warmbier vào thời điểm đen tối nhất của họ, khi họ đang đau buồn về cái chết của con trai?".
Daily Beast chỉ ra rằng ngoài đoạn video quay cảnh người không rõ mặt gỡ khẩu hiệu tuyên truyền mà Triều Tiên cung cấp, không có bằng chứng nào rõ ràng cho thấy Warmbier đã thực sự vi phạm luật. Trong khi đó, các bạn đồng hành của Warmbier thì nói họ không thấy dấu hiệu cho thấy Warmbier làm việc đó và họ cảm thấy sinh viên Mỹ không phải là người có hành động như vậy.
Bạn đồng hành ở Triều Tiên nhận định lý do Warmbier bị bắt. Video: BBC
Ngoài ra, với phía bên kia, Warmbier còn trở thành biểu tượng cho sự thất bại của cựu tổng thống Obama, khi một sinh viên 22 tuổi bị bỏ rơi tại một quốc gia khép kín.
Josh Caplan, tổng biên tập của trang Vessel News, viết trên tài khoản Twitter của mình rằng "cảnh sát công bố bản vẽ nghi phạm sát hại Otto Warmbier" và đăng hình vẽ ông Obama. Dòng tweet này được hơn 4.300 lượt thích và 2.500 lượt đăng lại.
"Obama đã chọn Bergdahl thay vì Otto Warmbier. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn Trump", một người có tên Kristin viết.
Cô nhắc đến Bowe Bergdahl, lính Mỹ bị Taliban bắt sau khi từ bỏ vị trí làm nhiệm vụ vào tháng 6/2009. Bergdahl được thả vào tháng 5/2014, để đổi lấy việc Mỹ thả 5 thành viên Taliban bị giam ở nhà tù vịnh Guantanamo. Cuộc trao đổi này đã gây ra tranh cãi lớn. Năm 2015, quân đội Mỹ tuyên bố Bergdahl bị xét xử với cáo buộc rời bỏ vị trí làm nhiệm vụ và cư xử sai trước kẻ thù. Hiện chưa có phán quyết cuối cùng về vụ việc. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã lên án Bergdahl là "kẻ phản bội thối tha".
Tuy nhiên, cây bút Mary Sachez cho rằng người Mỹ không nên chính trị hóa vụ việc của Otto Warmbier mà nên tập trung vào việc đối phó với Triều Tiên.
Đồng quan điểm, cây bút Joseph Curl viết: "Đừng sai lầm nữa: cái chết của Otto Warmbier rõ ràng là một bi kịch".
Phương Vũ