Vina Nadjibulla, vợ của Michael Kovrig, hôm 11/10 cho biết đã liên lạc được với chồng qua hình thức thăm lãnh sự trực tuyến và cung cấp thông tin về thế giới bên ngoài cho anh sau nhiều tháng "bị cô lập" trong nhà giam ở Trung Quốc.
"Anh ấy rất ngạc nhiên khi được nghe thông tin về đại dịch Covid-19 và nhận xét rằng tất cả giống như bộ phim về xác sống", Nadjibulla cho biết, thêm rằng dù bị giam giữ lâu, tinh thần, sự quyết tâm và thậm chí khiếu hài hước của chồng vẫn không đổi.
Nadjibulla nói thêm hiện mục tiêu của cô vẫn là làm mọi thứ có thể để đưa Michael Kovrig về nhà. Cô cũng gửi lời cảm ơn vì sự ủng hộ và đoàn kết của người dân Canada đối với chồng mình.
Cùng Kovrig, Michael Spavor là công dân Canada khác cũng bị giam ở Trung Quốc gần hai năm. Giới chức Canada cuối tuần qua thông báo đã được liên lạc trực tuyến với hai công dân của mình kể từ lần liên lạc cuối hồi tháng một.
Theo Bộ Ngoại giao Canada, đại sứ nước này tại Trung Quốc Dominic Barton đã được quyền "tiếp cận lãnh sự trực tuyến" với Kovrig và Spavor hôm 9/10 và 10/10.
Kovrig và Spavor bị bắt ở Trung Quốc hồi tháng 12/2018 và bị truy tố tội gián điệp hồi tháng 6. Các nước phương Tây gọi đây là hành động trả đũa của Bắc Kinh sau khi chính quyền Canada bắt giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ.
Canada cũng gọi các vụ bắt công dân của Trung Quốc là "vô căn cứ". Thủ tướng Justin Trudeau hôm 10/10 cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump và cảm ơn vì Washington đã tiếp tục ủng hộ cho nỗ lực đưa hai công dân Canada về nhà.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từng khẳng định cáo buộc gián điệp chống lại hai công dân Canada không liên quan đến vụ Ottawa bắt Mạnh Vãn Chu, thêm rằng không có cái gọi là "giam giữ tùy tiện" ở Trung Quốc.
Quan hệ Canada - Trung Quốc được cho là trở nên nghiêm trọng sau vụ bắt Mạnh Vãn Chu. Hai nước tiếp tục căng thẳng về nhiều vấn đề như luật an ninh Hong Kong và việc Trung Quốc tuyên tử hình hai công dân Canada vì tội buôn bán ma túy.
Ngọc Ánh (Theo Guardian)