Mỗi lần chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển, xin việc, chuyển công tác hay làm thủ tục hành chính, tôi lại phải đi photocopy rồi chầu chực chờ công chứng "sao y bản chính".
Tôi không hiểu, một bản sao giấy khai sinh, bằng tốt nghiệp đại học, hay chứng chỉ ngoại ngữ, vốn là những thông tin không thay đổi theo thời gian, thì lý do gì mà có "lệ" bản công chứng lại hết hiệu lực sau nửa năm?
Lý giải thường thấy từ phía tiếp nhận hồ sơ là: công chứng có thời hạn để đảm bảo tính xác thực, nhằm tránh rủi ro có thể phát sinh nếu bản gốc bị thay đổi, thu hồi, làm giả hoặc hủy bỏ sau ngày công chứng.
Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp với những loại giấy tờ có tính biến động như giấy khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, giấy xác nhận tạm trú... Còn đối với giấy tờ "tĩnh" như bằng cấp, giấy khai sinh hay căn cước công dân, những thứ không có chuyện sáng đúng, chiều sai thì việc yêu cầu bản sao y mới mỗi 6 tháng là máy móc.
Nếu mục tiêu là để xác minh giấy tờ, thì sao không để bên tiếp nhận chủ động kiểm tra bản gốc (mà người nộp vẫn mang theo)?
Chi phí công chứng mỗi bản không lớn, nhưng cộng lại qua từng hồ sơ, từng năm, thì là một gánh nặng thời gian, công sức, chưa kể chi phí xã hội rất lớn do sự lãng phí và bất tiện.
Duy Khang