Ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn và mưa lũ, hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển xảy ra rất nhanh, nguy hiểm tại ba xã của huyện Hoằng Hóa. Hiện đất liền bị xâm thực khoảng 25 ha, điểm sâu nhất tại xã Hoằng Phụ, khoảng 100 m.
Chủ tịch tỉnh Đỗ Minh Tuấn đánh giá sạt lở, xâm thực đã làm mất đất sản xuất, kinh doanh, nguy cơ ảnh hưởng đến 205 hộ dân với 630 nhân khẩu. Nhiều công trình kè chống sạt lở, bảo vệ bờ biển Hải Tiến, đường ven biển và các công trình khác bị hư hại. Chính quyền dự báo sạt lở, xâm thực còn diễn biến khó lường.
Sau khi công bố tình huống khẩn cấp, Chủ tịch tỉnh giao UBND huyện Hoằng Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm thực, cắm mốc quan trắc, đặt biển cảnh báo nguy hiểm không cho người dân và phương tiện đi vào khu vực sạt lở, nhất là lúc triều cường, sóng lớn. Chính quyền huyện, xã cần sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan trong vùng ảnh hưởng khi có tình huống xấu.
Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Hoằng Hóa thực hiện ngay giải pháp an toàn phù hợp tình hình thực tế.
Về phương án lâu dài, theo ông Đỗ Minh Tuấn, huyện Hoằng Hóa cần sớm khảo sát, đánh giá cụ thể mức độ sạt lở do xâm thực bờ biển đồng thời phối hợp với các ngành liên quan đề xuất cấp kinh phí xây dựng hệ thống đê kè chống sạt lở nếu cần thiết nhằm ổn định tình hình.
Huyện Hoằng Hóa có khoảng 12 km đường bờ biển, gần 2/3 số đó đã được kè bêtông chắn sóng nhằm bảo vệ khu dân cư và hạ tầng du lịch, phần còn lại thường xuyên sạt lở. Đầu năm 2023, khoảng 1,5 km bờ biển xã Hoằng Phụ từng sạt lở nặng khiến UBND tỉnh Thanh Hóa phải ban bố tình trạng khẩn cấp sau đó triển khai dự án đê biển hơn 155 tỷ đồng, đến nay công trình cơ bản hoàn thành.