Kết quả thanh tra do Cục Hàng không VN công bố chiều nay cho thấy, thời gian qua Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific đã không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng. Nhiều lỗi, vi phạm do cố tình che giấu của hãng nên việc giám sát theo chương trình thanh tra chuyên ngành đã không phát hiện được.
Công tác an toàn đối với Jetstar Pacific Airlines còn để lọt những vi phạm mang tính hệ thống. |
Đợt thanh tra được thực hiện từ ngày 5/11, ngay sau khi Cục Hàng không VN nhận được đơn tố cáo từ một cựu kỹ sư người nước ngoài bị đuổi việc khỏi hãng từ 15/9. Kết quả thanh tra cho thấy công tác an toàn đối với Jetstar Pacific Airlines chưa thực sự chặt chẽ, còn để lọt những vi phạm mang tính hệ thống; chưa giám sát việc thực hiện khắc phục các khuyến cáo một cách triệt để. Đồng thời việc phê duyệt Tài liệu Điều hành bảo dưỡng (MMOE) còn nhiều bất cập, một trong những nguyên nhân khiến Jetstar Pacific Airlines xây dựng hệ thống quản lý của tổ chức bảo dưỡng không hợp lý.
Liên quan đến quy trình bảo dưỡng và cơ chế giám sát việc bảo dưỡng tàu bay theo đơn tố cáo của 2 kỹ sư người nước ngoài, Cục Hàng không VN cho rằng lỗi lớn nhất của Jetstar Pacific Airlines là đã xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bảo dưỡng hoạt động kém, vai trò của hệ thống bảo đảm chất lượng bảo dưỡng gần như không có, dẫn tới nhiều sai phạm trong quy trình bảo dưỡng. Đa số các cán bộ có chức danh trong sơ đồ tổ chức bảo dưỡng đều có sai phạm. Văn hóa an toàn hàng không không được triển khai thực hiện đầy đủ theo cam kết. Do vậy, các cán bộ chủ chốt của Jetstar Pacific Airlines phải chịu trách nhiệm chính về lỗi hệ thống này.
Cũng theo kết luận của Cục Hàng không, nhiều phi công, thợ kỹ thuật có lỗi như không ghi nhật ký, thực hiện những lỗi bảo dưỡng. Những lỗi vi phạm nghiêm trọng nhất của công tác bảo dưỡng bao gồm thực hiện bảo dưỡng không đúng theo tài liệu bảo dưỡng AMM, SRM, hoặc quy trình đã được Cục phê chuẩn trong khoảng thời gian dài.
Cụ thể Trưởng phòng chất lượng kỹ thuật đã phê chuẩn điều chỉnh thời hạn bảo dưỡng đối với công việc bảo dưỡng không được phép trì hoãn một lần; Mang ống chống đóng băng hàn tại cơ sở không được phép, đồng thời nhân viên kỹ thuật đã cố tình che giấu hỏng hóc; một số trường hợp nhân viên CRS 33 ký xác nhận cho máy bay vào khai thác sai thẩm quyền. Bên cạnh đó, nhiều hỏng hóc được phát hiện nhưng không được ghi lại trong hồ sơ bảo dưỡng; phi công xóa hoặc xác nhận “ghi nhầm” hỏng hóc; tại các sân bay không có thợ máy kỹ thuật đủ thẩm quyền sửa chữa. Có trường hợp phi công chuyến bay không ghi lại sự bất thường khi hạ cánh vào Nhật ký kỹ thuật; hoặc có sự cố không được báo cáo theo quy định của Nghị định 75 về báo cáo sự cố tàu bay và quy trình của MMOE...
Cục Hàng không cho rằng Jetstar Pacific Airlines chưa triển khai tốt văn hóa an toàn hàng không được cam kết trong Tài liệu Điều hành bảo dưỡng (MMOE), dẫn đến nhiều lỗi sai phạm trong công tác bảo dưỡng, khai thác đã được chỉ ra xuất phát từ hành vi chủ quan, có nhận thức của cán bộ quản lý, nhân viên kỹ thuật. Nhiều nhân viên sợ báo cáo phát hiện hỏng hóc hoặc báo cáo nhưng không được hoan nghênh. Thậm chí, 2 kỹ sư người nước ngoài cũng chỉ có đơn tố cáo sau khi bị hãng chấm dứt hợp đồng lao động.
Chưa hết, nhiều thợ kỹ thuật, phi công có lỗi như không ghi nhật ký, thực hiện những lỗi bảo dưỡng; tuy nhiên những lỗi đó trước hết là do hệ thống bị lỗi, sự điều hành của cán bộ chủ chốt mắc lỗi.
Liên quan đến trường hợp 2 kỹ sư người nước ngoài bị đuổi việc là ông Bernard John McCune và ông Digger Dolphus King, Cục Hàng không cho rằng phía Jetstar Pacific Airlines đã làm sai quy trình. Jetstar Pacific cho rằng ông Bernard có hiệu suất làm việc kém, tinh thần và thái độ hợp tác là không tích cực, có những mâu thuẫn với cấp điều hành. Như vậy, ông Bernard bị hãng chấm dứt hợp đồng lao động với lý do vi phạm kỷ luật lao động.
Tuy nhiên, căn cứ vào Bộ luật lao động và các tài liệu có liên quan, Cục Hàng không cho rằng việc hãng chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với ông Bernard không đủ căn cứ pháp lý; không thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật lao động. Hãng đã không trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với người lao động về lý do xem xét kỷ luật; không có biên bản họp xét kỷ luật... Đối với trưởng hợp của ông Digger Dolphus King bị nghỉ việc 3 tháng không lương Cục Hàng không VN cũng nghi ngờ là thiếu khách quan vì Jetstar Pacific Airlines chưa chứng minh được sai phạm khi cho rằng ông kỹ sư này có lỗi khi thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng kỹ thuật, tinh thần, sức khỏe không đảm bảo.
Từ kết quả kiểm tra trên, Cục Hàng không quyết định thu hồi năng định mức A của chứng chỉ phê chuẩn bảo dưỡng tàu bay của JPA; Hủy bỏ phê chuẩn chức danh trong tổ chức điều hành bảo dưỡng của một số chức danh trong tổ chức điều hành bảo dưỡng của ông Lương Hoài Nam - nguyên tổng giám đốc, Trưởng phòng chất lượng kỹ thuật - Atanas Stankov, Trưởng phòng bảo dưỡng David Andrew. Đồng thời thu hồi công nhận chứng chỉ thợ kỹ thuật đối với ông John Louis Korgul, khuyến cáo toàn bộ kỹ sư, thợ kỹ thuật, phi công của hãng đã có những hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo dưỡng tàu bay không được tái phạm.
Cục Hàng không yêu cầu phía Jetstar Pacific xây dựng lại hệ thống giám sát bảo đảm chất lượng nhằm kiểm soát có hiệu quả hoạt động của hãng nói chung và của tổ chức bảo dưỡng tàu bay nói riêng. Đồng thời chấn chỉnh và quán triệt đến các cán bộ, nhân viên về trách nhiệm ghi nhật ký kỹ thuật (techlog) và chế độ báo cáo trong hoạt động bảo dưỡng tàu bay... Ngoài ra, Jetstar Pacific cần chấn chỉnh ngay công tác tổ chức cán bộ, văn thư, lưu trữ; sớm hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại hãng theo quy định.
Bên cạnh đó, hãng cần giải quyết quyền lợi hợp pháp của ông Bernard theo đúng quy định của pháp luật; xem xét lại một cách khách quan việc đình chỉ ông Digger King.
Như Quỳnh