Ấn tượng của tôi từ bé về những chiến sĩ công an ở phường đến nay vẫn vậy: gắn liền với công tác quản lý địa bàn về cư trú; hoặc vận động, tuyên truyền về chính sách cũng như về lý lịch nhân thân... Thi thoảng tôi cũng chứng kiến các chiến sĩ công an địa phương tham gia áp giải loại tội phạm đơn giản như trộm cắp vặt bị quần chúng bắt giữ.
Nhưng chỉ hơn mười ngày đầu năm 2024, đã có ít nhất ba sự việc dẫn đến thương vong cho 5 chiến sĩ công an, trong đó một phó trưởng công an phường tại Thành phố Huế hy sinh khi khống chế kẻ gây rối an ninh trật tự vào tối 12/1.
Điểm chung của những sự việc trên là kẻ gây rối rất manh động và sử dụng dao. Ngoài ra, trước khi xuất hiện tại hiện trường, lực lượng chức năng cũng nắm được thông tin về đối tượng, tính chất công việc, và vì vậy họ hẳn đã có sự chuẩn bị đối phó với nguy cơ bạo lực. Do đó, những thương vong này, đặc biệt là cái chết của chiến sĩ công an phường, khiến tôi suy nghĩ nhiều.
Trong Luật số 14/2017/QH14 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Điều 3, khoản 11 định nghĩa công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy cũng như nhằm bảo vệ người thi hành công vụ. Danh mục các công cụ hỗ trợ được liệt kê gồm súng bắn điện, lưới, dùi cui điện, dùi cui cao su, găng tay bắt dao... Như vậy, ở mức độ nào đó và theo luật, lực lượng công an tại địa bàn có đủ phương tiện và quyền hạn để thực hiện các vụ trấn áp đối tượng gây nguy hiểm cho cộng đồng, mà không gặp nhiều nguy cơ thương vong cho chính mình. Vậy tại sao trên thực tế ở ba trường hợp cụ thể vừa nêu, đã có thiệt hại về tính mạng?
Công an Việt Nam vẫn đang rất hiệu quả trong việc trấn áp các băng nhóm tội phạm nguy hiểm cũng như rất nhanh gọn khi truy bắt các thủ phạm gây án. Quy mô và tính chất của những sự việc gây thương vong vừa qua rất nhỏ và đơn giản so với các vụ trọng án. Do đó, sự chênh lệch về năng lực nghiệp vụ trấn áp tội phạm giữa lực lượng các cấp, đặc biệt là ở cấp nhỏ nhất - cấp phường xã, là điều có thể thấy và đáng bàn.
Về mặt địa giới hành chính, phường là đơn vị tương đương với xã. Vì vậy, vai trò của công an phường tương đương với công an xã - được quy định bởi Điều 9 Pháp lệnh Công an xã 2008 và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 12/2010/TT-BCA. Theo đó, đa số nhiệm vụ của công an cấp phường liên quan chủ yếu các vấn đề về tham mưu chính sách an ninh trật tự và quản lý hành chính. Có lẽ vì thế mà lực lượng công an cấp nhỏ nhất này ít có kinh nghiệm tác chiến. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phức tạp, trong các mối quan hệ đơn giản cũng có thể chứa những mâu thuẫn có thể đẩy tới rủi ro bạo lực. Nói cách khác, sự manh động của các đối tượng trong những vụ gây rối trật tự công cộng hoàn toàn có thể dẫn đến những rủi ro lớn về thương vong cho cả dân thường và lực lượng chuyên trách. Do đó, cần có lực lượng công an với khả năng tác chiến, trang bị công cụ hỗ trợ tốt hơn để xử lý các vụ việc mang tính bạo lực hoặc có nguy cơ bạo lực.
Xét rộng ra, trong vài năm vừa qua, thương vong không chỉ xảy ra với lực lượng công an phường khi làm nhiệm vụ. Đã có những cảnh sát giao thông phải nhảy lên nắp capô của những chiếc ôtô chống đối, dù theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, lực lượng cảnh sát giao thông được trang bị các công cụ hỗ trợ, trong đó có súng bắn lưới. Hành động nhảy lên nắp capô chẳng những không thể ngăn chặn những chiếc xe "điên" gây tai nạn mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người cảnh sát.
Xem xét lại tính hợp lý của việc phân công nhiệm vụ, quyền hạn cùng vấn đề trang bị công cụ hỗ trợ hiệu quả hơn là điều cần thiết, vừa có thể giúp ích cho hoạt động trấn áp tội phạm, vừa hạn chế tối đa mất mát về sinh mạng cho các chiến sĩ công an.
Kẻ gian sẽ chống đối manh động hơn nếu chúng nhìn thấy ngày một nhiều hình ảnh thiếu uy nghi của lực lượng bảo vệ pháp luật.
Võ Nhật Vinh