"Các chính phủ mới ở châu Âu đang được trao một chén rượu độc", tờ Wall Street Journal bình luận về đợt bầu cử ở Anh và Pháp. Gọi là "thuốc độc" vì các lãnh đạo mới ở hai nước này sẽ nhận nhiệm vụ thay đổi tình hình nợ công căng thẳng nhưng được trang bị rất ít công cụ trong tay.
Nợ công gần đạt mức cao nhất nhiều thập kỷ ở cả hai bờ eo biển Manche, nơi cử tri Anh và Pháp đang bầu ra quốc hội mới tuần này. Tại cả hai, chi tiêu chính phủ và thâm hụt ngân sách tính trên GDP đã cao hơn đáng kể so với trước dịch. Trong khi, tăng trưởng kinh tế vẫn mờ nhạt, chi phí đi vay tăng cao và nhu cầu chi tiêu tiếp tục leo thang, từ ngân sách phục vụ quốc phòng đến lương hưu cho người già.
Nợ công Pháp năm nay đã tăng lên 112% GDP từ mức 97% năm 2019 và 65% năm 2007, theo IMF. Thâm hụt nợ công dự báo vào khoảng 5% GDP năm nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ đã tăng vọt trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư dự báo núi nợ công nước này sẽ còn cao hơn.
Hồi tháng 5, S&P hạ xếp hạng nợ công của Pháp xuống AA-. Tháng trước, Ủy ban châu Âu khuyến cáo Pháp, Italy và 5 quốc gia khác nên bị kỷ luật vì thâm hụt ngân sách vượt quá giới hạn của EU.
Tại Anh, nợ công cũng tăng lên 104% GDP trong năm nay từ mức 86% năm 2019 và 43% năm 2007.
Theo các nhà kinh tế, tình hình nợ công đòi hỏi giới chức Anh, Pháp phải tìm cách chi tiêu ít hơn và tăng thuế. Nhưng để chạy đua lấy lá phiếu của cử tri, họ còn công bố các kế hoạch ngược lại.
Đảng cực hữu National Rally (RN) tại Pháp đề xuất giảm thuế sâu rộng và đảo ngược việc tăng tuổi hưởng lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron. Liên minh cánh tả của New Popular Front (NFP) thậm chí còn có chương trình nghị sự tham vọng hơn, bao gồm tăng mạnh lương tối thiểu, trợ cấp trong khi giảm thuế.
Ở Anh, đảng Lao động ra hiệu sẽ chi nhiều hơn cho các dịch vụ công như y tế. Viện Nghiên cứu Tài chính, trụ sở tại London, gần đây cáo buộc tất cả đảng lớn, bao gồm đảng Lao động, né tránh các vấn đề hóc búa. S&P Global gọi căng thẳng tài chính của Anh trong cuộc bầu cử này là "con voi trong phòng", thành ngữ phương Tây chỉ vấn đề ai cũng biết nhưng bị lờ đi vì khó giải quyết.
"Tăng trưởng dự kiến khá thất vọng và lãi suất vẫn ở mức cao. Kết hợp chúng là điều kiện kém nhất trong lịch sử hậu Thế chiến mà quốc hội Anh phải đối diện", Isabel Stockton, nhà kinh tế nghiên cứu cấp cao tại IFS cho biết.
Nhưng "con voi" nợ công đang làm giới phân tích và đầu tư cảnh giác. Cuối 2022, Thủ tướng Anh khi đó là Liz Truss đã khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt bằng cách tuyên bố cắt giảm thuế và vay mượn quy mô lớn, đẩy thị trường tài chính Anh vào hỗn loạn. Điều này do chính sách khiến rủi ro nợ công tăng lên, kéo theo bất an của nhà đầu tư trong việc nắm giữ trái phiếu chính phủ, đẩy lợi suất lên cao.
S&P Global nói cuộc hoảng loạn này là cảnh báo rõ ràng cho các chính sách quá cấp tiến mà phớt lờ nợ công. "Chúng tôi quan tâm đến sự cân bằng giữa điều chỉnh doanh thu (thuế) và chi tiêu, điều sẽ cho phép các chính phủ mới cải thiện vị thế tài chính cơ bản," Frank Gill, chuyên gia nợ công của S&P giải thích.
Giữa tháng trước, Ngân hàng Norinchukin (Nhật Bản) nêu kế hoạch bán 10.000 tỷ yen (62,6 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Mỹ và châu Âu để ngăn chặn tổn thất. Các nhà phân tích của Citi cho rằng chi phí phòng ngừa rủi ro cao làm tăng nguy cơ xảy ra đợt bán tháo khác của Nhật Bản sau khi nắm giữ ổn định trong 15 tháng.
Năm 2017, trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 mà bà Le Pen đã thua ông Macron, các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán 27,89 tỷ USD trái phiếu chính phủ Pháp, con số kỷ lục theo tính toán của Barclays.
"Có nguy cơ tái diễn những động lực từng thấy vào năm 2017", chiến lược gia tỷ giá Max Kitson của Barclays nói. Hiện khối ngoại (gồm chính phủ, ngân hàng, tổ chức phi ngân hàng) đang nắm giữ đến 50,4% trái phiếu chính phủ Pháp.
Và dù tăng sự quan tâm, điều khó là thâm hụt nợ công ở nhiều nước phát triển cao hơn 3 điểm phần trăm so với trước dịch, theo Capital Economics. Kinh tế trưởng Neil Shearing nói một phần nguyên nhân do lãi suất cao hơn và chi tiêu không liên quan đến Covid-19 tăng. "Không có nhiều cơ hội cho việc mở rộng tài chính quy mô lớn", ông nói.
Ngay cả Đức, hình mẫu về sự thận trọng tài chính, cũng đã thâm hụt ngân sách từ trạng thái thặng dư những năm 2010. Sau nhiều tháng đàm phán khó khăn, liên minh ba bên của Thủ tướng Olaf Scholz tuần trước tuyên bố đạt thỏa thuận vẫn tuân thủ các quy định vay mượn nghiêm ngặt nhưng đồng thời tìm ra biện pháp nhằm phục hồi tăng trưởng và thúc đẩy chi tiêu quân sự.
Tại Italy, Thủ tướng Giorgia Meloni gần đây đã trấn an được các nhà đầu tư bằng cách công bố kế hoạch giảm chi tiêu và giọng điệu hòa giải đối với Brussels khi Ủy ban điểm danh nước này cùng với Pháp vi phạm kỷ luật nợ công.
Nhưng không phải lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy (tập trung chính sách ưu tiên quyền lợi đại chúng) nào cũng sẽ thành công như bà Meloni, theo WSJ. Một nghiên cứu năm 2023 trên 51 tổng thống và thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy từ năm 1900 đến năm 2020 cho thấy họ có xu hướng thất bại về mặt kinh tế.
Manuel Funke, Moritz Schularick và Christoph Trebesch của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) nhận thấy rằng trong hơn 15 năm, GDP bình quân đầu người và tiêu dùng đã giảm hơn 10% dưới các chính phủ dân túy so với các chính phủ phi dân túy, trong khi gánh nặng nợ nần và lạm phát cũng có xu hướng gia tăng.
Phiên An (theo WSJ, Reuters)