Nhà văn Sơn Tùng từng thành công với nhiều cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Hoa râm bụt, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác ở nơi đây, Mẹ về...
Tháng 6/2010, vết thương chiến tranh từ năm 1971 với 14 mảnh đạn trên mình đã tái phát, khiến ông bị tai biến mạch máu não. Trước đây Sơn Tùng bị thương nhiều ở bên phải cơ thể, trận đột quỵ làm ông liệt luôn nửa người bên trái. Dù trí nhớ vẫn còn, ông không thể tự dịch chuyển. Trước khi phải nằm một chỗ, ông đang thực hiện dở cuốn sách về Hồ Chủ tịch và ấp ủ viết một cuốn nữa về quê hương Nghệ An.
Bản thảo có tên Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn, được viết dựa trên nhiều nguồn tư liệu. Trong đó, có tư liệu ghi lại từ cuộc gặp gỡ, trò chuyện của nhà văn Sơn Tùng với bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh ruột của Hồ Chủ tịch).
Anh Bùi Sơn Định - con trai thứ của nhà văn - từ lúc cha bị bệnh - đã tiếp tục tập hợp bản thảo hàng ngày từ các tư liệu nghiên cứu, sổ chép tay của Sơn Tùng. Anh Định cho biết cha anh lưu giữ tư liệu rất cẩn thận. Cả một hòm sắt tây to của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho, nhà văn Sơn Tùng dùng để đựng những trang viết.
Dù chỉ nằm yên một chỗ và nói được một vài từ đơn giản, trí nhớ của nhà văn vẫn còn khá minh mẫn. Anh Bùi Sơn Định kể trong quá trình thực hiện, có gì khúc mắc, anh thường hỏi cha. Nhà văn tuy không giải thích được tường tận, nhưng ông có thể gật, lắc với những điều đúng sai mà con trai nói. "Viết xong, tôi thường đọc cho cha nghe, hoặc ghi âm lại để ông nghe những lúc sức khỏe cho phép. Trước đây, cha thường dậy từ 2h sáng, ngồi thiền rồi viết lách. Giờ ông cũng dậy từ 2h sáng, nghe lại những bài viết tôi đã thu sẵn. Nhiều hôm ông nằm nghe và lặng lẽ khóc" - anh Sơn Định kể.
Anh Sơn Định còn cho biết, ngày nhà văn Sơn Tùng còn khỏe, ông vẫn thường nói tới một nguyên tắc khi viết về các vĩ nhân: "Viết về Bác và các vĩ nhân, ta có thể thả hồn vào trong đó chứ không được bịa. Bịa là có tội với Bác và các vĩ nhân...". Khi tiếp xúc với các nguồn tin, nhà văn Sơn Tùng có tiêu chí riêng để xác minh: "Một câu chuyện cần phải có ít nhất ba người ở ba nơi khác nhau nói, tuy cách trình bày có thể khác nhau nhưng cùng chung một sự kiện thì mới đủ tin cậy".
Trước khi trở thành nhà văn, Sơn Tùng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tháng 4/1971, ông bị thương nặng trở về với 14 mảnh đạn trên mình: Liệt tay phải, vỡ vai trái, mắt phải còn 1/10, ba mảnh đạn găm trong sọ não không thể mổ gắp ra được. Mất 81% sức khỏe, xếp hạng thương tật 1/4 (hạng thương binh nặng nhất), song ông vẫn cầm bút viết. Từ 1974 đến nay, với bàn tay chỉ còn 3 ngón cầm bút được, ông đã viết hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, văn xuôi.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương - đã đọc bản thảo của Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn. Ông viết "Lời giới thiệu" cho sách, trong đó đưa ra nhận xét: "Bạn đọc sẽ tìm thấy trong tác phẩm này nhiều tư liệu vô cùng quý giá, xúc động về Bác Hồ; và lại thêm một lần nữa ta kính yêu, thương nhớ Bác, ta cảm ơn nhà văn Sơn Tùng với tất cả tấm lòng".
Cuốn sách dự kiến được gia đình nhà văn phát hành đầu năm 2015.
Lam Thu