B.T.
Buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, các lãnh đạo Hội nhà văn và đông đảo đồng nghiệp, người thân của nhà văn Sơn Tùng.
Trong diễn văn chào mừng, nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Tên tuổi Bùi Sơn Tùng từng có lúc là biểu tượng của thế hệ thanh niên, được Đoàn TNCS HCM cử đi dự Festival thanh niên sinh viên thế giới thời chống Pháp. Đến kháng chiến chống Mỹ, Sơn Tùng lại từ giã hậu phương để vào chiến truờng viết báo và chiến đấu. Bị thương nặng, ông được đưa ra Bắc điều trị và trở thành thương binh - bệnh nhân ngoại trú cả đời. Từ đây, là cả một chặng dài với nghị lực phi thường, Sơn Tùng phấn đấu và rèn luyện để phục hồi trí nhớ, phục hồi sức sáng tạo...".
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Sơn Tùng (ngồi xe lăn) trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Ảnh: vanvn. |
Sau khi trao Huân chương cho nhà văn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ: "Tôi đồng ý cao với những đánh giá hết sức cao nhưng chính xác về nhà văn Sơn Tùng của nhà thơ Hữu Thỉnh... Ở đây chỉ xin nói về những kỷ niệm riêng. Tôi ở chung cơ quan với anh Sơn Tùng ở miền Nam thời chống Mỹ. Tôi biết anh ăn ở rất tình cảm gắn bó với bè bạn, đồng chí, đồng bào; do anh biết sâu về đồng bào và thực tế chiến đấu nên tác phẩm của anh đọc rất cảm động và được bạn đọc yêu mến. Anh sống giản dị, liêm khiết trong thanh bần, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói anh nên nhận nhà rộng rãi hơn, anh đã từ chối... Anh chính là tấm gương sáng chẳng những cho nghị lực sống, cho văn học mà còn là tấm gương sáng về phẩm chất người cán bộ trung kiên của Đảng, của Đoàn...".
Nhà văn Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8/8/1928 tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, trong một gia đình cách mạng. Ông là tác giả của gần 30 đầu sách, trong đó nổi tiếng nhất là Búp sen xanh - câu chuyện về cuộc đời Hồ Chí Minh. Hiện tại, do bệnh tật, sức khỏe của nhà văn đã yếu. Trong lễ đón nhận danh hiệu, ông ngồi trên xe lăn và được vợ - bà Phan Hồng Mai - chăm sóc.