Tác phẩm dày gần 200 trang, với hai phần Truyện và Tự sự, tổng hợp 17 bài viết, được Lê Kiên Thành hoàn thiện trong khoảng ba năm.
Phần Truyện gồm các bài Làng ven sông, Gia đình má Chín Nhơn, nói về cuộc sống của con người trong thời chiến, từ làng quê hậu phương miền Bắc đến những gia đình miền Nam. Những bài khác là Hai tiếng sét, Bàn học bên Hồ Tây, Hương ngọc lan, Tâm hồn Nga... tôn vinh giá trị con người không chỉ qua chiến tranh mà còn trong cuộc sống thường nhật.
Trong phần Tự sự, tiến sĩ thuật lại ký ức với người thân, bạn bè, như Đồng đội, Tiểu đội trưởng, Bà nội, Chị tôi nhưng không có bài viết nào về bố - cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tác giả cho biết bố mình là nhân vật thuộc về lịch sử, cần được xuất hiện trên những kênh thông tin nghiêm túc và kiểm duyệt chặt chẽ, như các tờ báo uy tín.
Tuy nhiên, hình ảnh cha vẫn hiện diện qua các trang viết của Lê Kiên Thành. Ở bài Chú Việt Phương, ông kể: ''Một lần, ngồi cạnh chú trong cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, nghe mọi người phát biểu trên diễn đàn, tôi hơi buồn, quay sang nói với chú: 'Để hiểu ba cháu có lẽ vừa phải có trình độ nhưng lại vừa phải có tình cảm, chú ạ!'. Ông nhìn sâu vào mắt tôi, siết nhẹ bàn tay đang nắm chặt, nói: 'Ba đối với chú là một người cha, cháu ạ'. Và hai dòng nước mắt tuôn trên gò má đã nhiều nếp nhăn của chú''.
Viết về một giai đoạn đã qua nhưng Lê Kiên Thành mong muốn cuốn sách có thể tiếp cận đối tượng trẻ, khiến họ thấy có ích và yêu mến những câu chuyện gần gũi, giàu cảm xúc. Ông không nhận bản thân là một nhà văn mà chỉ kể lại các câu chuyện bằng giọng điệu, suy nghĩ của mình. Trong lời giới thiệu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng giới thiệu tác giả là "Người kể chuyện của thế gian'' đầy tin cậy.
Ông Nguyễn Quang Thiều viết: ''Lê Kiên Thành là một người vừa bền bỉ cất tiếng về những điều tốt đẹp của đời sống con người trong thời đại ông đang sống, vừa cảnh báo về những gì có thể giết chết điều tốt đẹp ấy. Ông cất tiếng một cách trung thực, xúc động, sâu sắc và đầy lo sợ, ông không đẩy câu chuyện đi quá bản chất của nó, ông không bi kịch hóa câu chuyện, nhưng ông nhìn thấy bản chất của câu chuyện''.
Ấn phẩm còn có 15 tranh minh họa của Thành Chương. Tại buổi ra mắt sách, họa sĩ cho biết từng từ chối lời mời vẽ minh họa, tuy nhiên sau khi được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thuyết phục, Thành Chương đồng ý đọc thử sách và nhanh chóng bị cuốn theo từng con chữ.
Họa sĩ nhận định tác phẩm gần gũi, giúp ông nhìn thấy hình bóng gia đình mình trong đó. ''Tôi đọc không bỏ sót chữ nào, xúc động khi được chiêm nghiệm một thời đã qua'', ông nói. Dù chưa gặp Lê Kiên Thành lần nào, ông vẫn cảm nhận được sự chân thật của tác giả. Sau đó, họa sĩ nhận lời vẽ cho sách "bằng niềm say mê, thích thú chưa từng có".
Lê Kiên Thành, 69 tuổi, được đào tạo tại Trường Lái máy bay Kratxnoida và Học viện Kỹ sư không quân Giucopxky, Liên Xô; là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Dupna, Liên Xô. Ông từng công tác tại Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện Khoa học Việt Nam. Ông tham gia kinh doanh từ năm 1993 trong ngành ngân hàng và sản xuất.
Ngoài vai trò doanh nhân, Lê Kiên Thành cũng là một cây bút chính luận được nhiều người biết đến, từng công bố truyện Âm thanh được giới văn chương đánh giá cao. Trong bài viết Di sản của một người đăng trên VnExpress, tiến sĩ cho biết luôn chịu áp lực khi là con của một nhà lãnh đạo.
Phương Linh