Câu cửa miệng người đàn ông 36 tuổi thường nói là: "Việc gì có thể làm thì nên tự làm".
Trương Hiểu Đông, sống ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang bị liệt từ năm 2008 chỉ sau ba tháng phát bệnh. Ban đầu anh không chấp nhận sự thật, thường nằm trên giường than thở về cuộc đời sự bất công. "Thực tế không thể thay đổi, con phải chấp nhận mọi việc", mẹ anh khuyên nhủ.
Với sự động viên của mẹ, Trương dành tiền mua một chiếc máy tính. Anh bắt đầu học một số kỹ năng và làm việc bán thời gian. Khi chàng trai bắt đầu có thu nhập ổn định, cha anh bị liệt do xuất huyết não tái phát.
Trương kể, bố mẹ ly hôn khi anh còn nhỏ, sau đó mẹ đưa anh về ở cùng ông bà ngoại. Khi Trương bị liệt, mẹ chăm sóc anh bốn năm thì qua đời do ung thư. Bố đón anh về chăm sóc.
Việc chăm một người liệt không hề dễ dang với người đàn ông ngoài 50 tuổi. Hai bố con ở trong căn nhà thuê giá rẻ, mưa dột tứ bề. Một lần người cha té ngã do vấp vũng nước mưa trong nhà. Đến viện ông đã liệt toàn thân và không thể nói được.
Sau đó, hai bố con được ông bà nội chăm sóc. Nhưng ông bà đều ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu. Trương Hiểu Đông, đã cố gắng học làm mọi việc trong nhà nhằm giải tỏa áp lực cho ông bà. Trước đó, nhờ sự quyên góp của các nhà hảo tâm, anh mua được chiếc xe lăn, giúp bản thân có thể rời khỏi giường và "tự do đi lại" chăm sóc bố.
Hàng ngày, Trương dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị đồ ăn đến 6 giờ, đút cho bố ăn rồi bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Ngày ba bữa cơm, giặt giũ, trở mình, lau người cho bố... anh đều tự tay làm. Nhiều lúc người cha thương con mà rơi nước mắt, Trương lại động viên: "Cuộc sống là một mớ hỗn độn, nhưng con không muốn sống trong mớ hỗn độn đó".
Vì cơ thể căng cứng, cổ không cử động được nên anh phải sử dụng thanh treo dài để mặc quần áo. Ngủ dậy, do không thể rũ chăn bông nên Trương cuộn tròn lại ngay trên người. Mỗi lần nấu ăn, anh cũng nghiêng cổ hết sức đến thành bếp, nơi có đồ ăn cần phải sơ chế trước khi đưa vào nồi.
Từ khi bố Trương đổ bệnh, hai cha con được hưởng trợ cấp gia đình khó khăn, thuê được nhà ở giá rẻ. Nhưng do ở tầng hai, cầu thang cao, không thuận tiện cho việc di chuyển xe lăn nên Trương để ông bà nội sống ở đó. Còn anh và bố thuê phòng tầng một, tiện ra ngoài mua thức ăn.
Để trả tiền thuê nhà, Trương nhận chăm sóc thêm một bệnh nhân tâm thần. Cha mẹ người này đã mất và sống bằng trợ cấp xã hội. Anh cung cấp cho người này chỗ ăn ở, còn tiền trợ cấp của bệnh nhân anh lấy trả tiền thuê nhà.
Trong nhà, Trương còn nuôi một con mèo hoang. Chú mèo này nhảy lên nhảy xuống hàng ngày, khiến căn nhà vốn chỉ có tiếng nói của mình anh thêm sức sống. Đây cũng là lý do tại sao mỗi khi nhắc tới chú mèo, người đàn ông này đều mỉm cười.
Gần đây, Trương hy vọng hơn về tương lai khi nghe tin có đợt giảm giá 80% khớp nhân tạo, thứ mà anh cần để đi lại được. Trước đây Trương không dám nghĩ tới một ngày có thể đứng trên đôi chân của mình.
Cách đây hai năm, người đàn ông 36 tuổi còn mở một trang cá nhân riêng, thường xuyên đăng ảnh và video về hoạt động của hai cha con. Trang có tên "Công việc thường ngày của hai cha con bại liệt" đã trở thành cách giao tiếp hàng ngày của Trương Hiểu Đông với thế giới bên ngoài.
Vy Trang (Theo sohu)