Ngày con tôi còn học tiểu học, trong chương trình học, bé được làm quen với các khái niệm về hình khối. Nhưng việc phân biệt các yếu tố như cạnh, đỉnh, hay mặt phẳng trong sách vở quá trừu tượng, khiến bé lúng túng.
Tuy nhiên, khi tôi lấy một chiếc hộp giấy và chỉ ra từng chi tiết cụ thể, bé lập tức hiểu rõ hơn và có thể suy luận tốt hơn rất nhiều. Điều này cho thấy, khi trẻ được trải nghiệm thực tế, chạm vào sự vật thật, chúng sẽ hiểu rõ hơn những khái niệm lý thuyết.
Tương tự, khi dạy về phép cộng, tôi đã sử dụng 10 que tính và một bộ số từ 1 đến 10. Tôi đưa bé lá số 1 tương đương với 1 que tính, rồi lần lượt đến lá số 10 tương đương 10 que tính.
Sau đó, tôi cho bé làm phép cộng 1 + 1, bé tính được kết quả là 2 và lấy lá số 2 tương ứng. Khi bé quen dần với các phép tính đơn giản, tôi thử với phép cộng 1 + 9. Lần này, bé không còn phải đếm từng que tính nữa mà ngay lập tức lấy lá số 9 rồi cộng thêm 1, điều này chứng tỏ rằng sự lặp lại và trải nghiệm trực quan đã giúp bé tiếp thu lý thuyết một cách tự nhiên và hiệu quả hơn.
Tầm quan trọng của trải nghiệm trong giáo dục, theo các nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng như Jean Piaget và John Dewey, trẻ nhỏ không chỉ học qua sách vở, mà còn qua sự tương tác và khám phá thế giới xung quanh. Trẻ cần có cơ hội để trải nghiệm thực tế, khám phá qua các giác quan và tương tác với những sự vật cụ thể.
Đây chính là cách trẻ phát triển tư duy và khả năng sáng tạo một cách tự nhiên và hiệu quả nhất. Piaget nhấn mạnh rằng sự học hỏi qua trải nghiệm thực tế giúp trẻ em không chỉ phát triển trí tuệ mà còn xây dựng tư duy phản biện.
Trong quá trình học hỏi và trải nghiệm, trẻ không chỉ học cách thành công mà còn phải học cách đối mặt với thất bại. Carol Dweck, nhà tâm lý học nổi tiếng với lý thuyết "mindset" (tư duy phát triển), nhấn mạnh rằng trẻ em cần có tư duy phát triển để không sợ hãi trước những vấn đề khó khăn.
Khi đã hình thành tư duy phát triển, trẻ sẽ không sợ thất bại mà xem đó là cơ hội để học hỏi và khắc phục, tìm cách đứng dậy từ những khó khăn. Việc trải qua thất bại sẽ giúp trẻ học cách kiên nhẫn, bền bỉ và không ngừng tìm cách vượt qua khó khăn để tiến tới thành công sau này.
Tương quan giữa cái chung và cái riêng giống như phạm trù triết học về cái chung và cái riêng, trong giáo dục, cái chung chính là kiến thức nền tảng mà trẻ cần nắm vững, còn cái riêng chính là những trải nghiệm cụ thể mà trẻ có được. Cái chung cung cấp cho trẻ một nền tảng vững chắc, trong khi cái riêng tạo ra sự khác biệt và giúp trẻ hình thành cá tính riêng của mình.
Sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức nền tảng và trải nghiệm thực tiễn chính là chìa khóa dẫn đến thành công, mà không hề gây ra sự dị biệt trong quá trình phát triển của trẻ. Điều này cho thấy, trẻ không chỉ cần học lý thuyết mà còn cần trải nghiệm thực tế để ứng dụng những gì đã học vào cuộc sống.
Trải nghiệm tại mọi điểm chạm giáo dục thực tế không nên giới hạn chỉ ở trường học mà cần diễn ra ở mọi điểm chạm trong cuộc sống. Xu hướng hiện nay trong kinh doanh là đặt khách hàng làm trung tâm, với tất cả các hoạt động xoay quanh việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Trong môi trường giáo dục, học sinh cũng cần được xem như là "khách hàng", và mọi hoạt động học tập cần tập trung vào việc mang lại trải nghiệm tốt nhất cho các em.
Chẳng hạn, khi dạy các định luật vật lý, thay vì chỉ truyền đạt lý thuyết, giáo viên có thể tổ chức các thí nghiệm nhỏ như thả một hòn đá để minh họa cho trọng lực. Qua những điểm chạm này, học sinh không chỉ nắm rõ lý thuyết mà còn hiểu cách áp dụng nó vào thực tế.
Gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội giáo dục không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường mà còn cần sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình và xã hội. Trẻ có thể học qua mỗi hoạt động hàng ngày, từ việc giúp cha mẹ tưới cây, dọn dẹp nhà cửa cho đến các hoạt động ngoại khóa.
Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa thầy cô, cha mẹ, và cộng đồng để tạo ra môi trường học tập thực tế và có ý nghĩa cho trẻ. Chẳng hạn, khi học về địa lý và môi trường tự nhiên, nhà trường có thể tổ chức những chuyến đi thực tế, đưa học sinh đến tham quan các khu rừng, đồng ruộng, hoặc thậm chí chỉ là một buổi học ngoại khóa ngoài trời. Từ đó, học sinh không chỉ tiếp nhận kiến thức qua sách vở mà còn hiểu được cách áp dụng kiến thức vào cuộc sống thực tế.
Mục tiêu cuối cùng hình thành tư duy phát triển trải nghiệm không chỉ dừng lại ở việc hiểu bài học lý thuyết, mà quan trọng hơn là biết cách áp dụng những gì đã học vào cuộc sống, hình thành tư duy phát triển bền vững. Việc dạy học qua trải nghiệm giúp học sinh hiểu rõ và gắn kết bài học với thực tế cuộc sống.
Khi đã có tư duy phát triển, trẻ sẽ không e ngại những vấn đề khó khăn, mà thay vào đó sẽ nhìn nhận chúng như cơ hội để học hỏi và phát triển. Trải nghiệm học tập không chỉ nằm trong sách vở, mà còn phải được gắn kết từ nhà trường, gia đình, và cả xã hội.
Khi trẻ được trải nghiệm tại mọi điểm chạm, từ những bài học nhỏ bé trong gia đình đến những thách thức trong môi trường xã hội, chúng sẽ tự tin bước vào cuộc sống với đầy đủ kiến thức, kỹ năng và sự tự tin để đối mặt với những khó khăn và thử thách phía trước.
Giống như một chiếc cầu, kiến thức nền tảng là phần gạch nối giữa lý thuyết và thực tế, và trải nghiệm chính là những viên gạch xây dựng nên con đường vững chắc dẫn đến thành công.
Từ đây, chúng ta nhận ra rằng giáo dục không chỉ đơn thuần là việc dạy và học mà còn là một hành trình trải nghiệm, nơi mà mỗi trải nghiệm đều là một bài học quý giá, dẫn dắt trẻ đến với sự trưởng thành và thành công trong cuộc sống.
Chia sẻ phương pháp dạy con học tại nhà của bạn qua địa chỉ email:bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Lê Quốc Khánh