Tại phố Lãn Ông (Hà Nội), sừng tê được bày bán tràn lan. Một chủ hàng thuốc cho biết 100 gr sừng tê có giá dao động 4.300 USD - 6.100 USD (90 triệu - 127 triệu đồng). Phần đầu sừng đắt nhất với 6.100 USD. Ở giữa rẻ hơn với 4.600 USD và phần cuối là 4.300 USD. Giá cả cũng còn tùy thuộc nguồn gốc của loại sừng. Sừng tê giác châu Á đắt hơn châu Phi vì chúng được cho là có chất lượng tốt hơn.
Gần đây, kênh truyền hình ITV của Anh cũng làm hẳn một phóng sự về cơn sốt sừng tê tại Việt Nam. Phóng viên Angus Walker đã được tận mắt chứng kiến công đoạn mài sừng của một người dân. Công cụ là một chiếc đĩa đặc biệt có in hình tê giác. Trong 15 phút, người này mài chiếc sừng vòng quanh đĩa, sau đó trộn với một ít nước cho đến khi hài lòng với dung dịch.
Loại đĩa chuyên dụng để mài sừng tê. Ảnh: ITV |
"Anh có muốn nhấp thử một ngụm không", ông ta hỏi. Nhưng Walker đã lịch sự từ chối. Ông này cho biết: "Cứ mỗi lần đau đầu là tôi lại dùng nó. Để thanh lọc cơ thể tốt lắm đấy. Tôi còn cho con uống một ngụm nhỏ khi nó bị sốt nữa".
Việc sử dụng sừng tê như thần dược, chữa từ đau đầu đến ung thư, đã trở thành trào lưu ở Việt Nam trong 5 năm gần đây. Các nhà hoạt động bảo tồn cho biết chính nhu cầu từ Việt Nam đã đẩy tê giác châu Phi đến bờ vực tuyệt chủng. Tính từ đầu năm, 100 con đã bị giết chỉ để lấy sừng.
Tại hội nghị CITES (Công ước về buôn bán quốc tế về các loài Động Thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng) ở Bangkok (Thái Lan) đầu tháng 3, Việt Nam đã bị thúc giục áp dụng các chiến lược toàn diện để giảm nhu cầu sừng tê. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) còn muốn Chủ tịch nước lên tiếng kêu gọi người dân ngừng sử dụng sản phẩm này.
Việt Nam đã thay đổi chính sách để ngăn chặn nạn buôn bán. Tuy nhiên, dường như chẳng có ai quan tâm đến luật pháp. Trong căn phòng phía sau một cửa hàng ở Hà Nội, Walker được chào lấy cả sừng để có giá rẻ hơn. Người bán chụp lại tất cả sừng mình có và cho biết: "Anh mà đến sớm hơn chút nữa thì có cả 60 - 70 kg sừng để chọn. Giờ tôi chỉ còn vài kg thôi".
Buôn bán sừng tê là bất hợp pháp. Tuy nhiên, người bán chẳng tỏ ra sợ hãi: "Ở Việt Nam, anh chỉ cần làm luật là được". Mức giá mà ông đưa ra là 5.000 bảng (158 triệu đồng) cho 100gr.
Một chiếc sừng tê có giá hàng trăm triệu đồng mỗi kg. Ảnh: ITV |
Tuy nhiên, Angus Walker cho biết một viên thuốc lớn làm từ sừng tê cũng có thể rẻ hơn với giá 30 bảng. Tại một cửa hàng tại chợ thuốc truyền thống của Hà Nội, người bán còn hướng dẫn anh trộn bột sừng tê với một ít nước.
Các nhà hoạt động cho biết cách để ngăn chặn săn bắn bừa bãi là ngừng dùng thuốc làm từ động vật bị đe dọa. Tuy nhiên, việc này là rất khó tại một quốc gia mà da hổ còn được dùng làm đồ trang trí trong nhà bác sĩ. Toanh Van Xuan, một bác sĩ đông y, rất tin tưởng vào những tác dụng kỳ diệu của sừng tê.
"Theo kinh nghiệm của tôi, sừng tê đã được chứng minh là rất tuyệt vời. Nó giúp giải độc cơ thể, thanh lọc máu và tăng cường hệ miễn dịch. Tôi cũng từng dùng cho mình và cả bệnh nhân nữa", ông nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi ông nghĩ thế nào nếu các đồng nghiệp phương Tây kết luận không có bằng chứng khoa học cho thấy sừng tê có tác dụng chữa mọi loại bệnh, Xuan cho biết: "Kể cả nếu chẳng có nghiên cứu khoa học, thì lịch sử cũng đủ chứng minh điều đó rồi".
Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu nhu cầu sừng tê ở Việt Nam vẫn tiếp tục theo tốc độ này, loài động vật đã tồn tại trên Trái Đất suốt 50 triệu năm sẽ bị xóa sổ.
Thùy Linh (tổng hợp)