Ngồi sau giá để giày hoen gỉ, trước mặt là quyển danh bạ và chiếc điện thoại bàn, Aye Aye Khine (26 tuổi) lặng lẽ chờ khách hàng đến gọi nhờ. Gia đình cô đã kinh doanh dịch vụ này 15 năm nay, kiếm được thêm 50 USD mỗi tháng khi điện thoại di động còn quá đắt đỏ với đa phần người dân nước này.
Nhưng giờ đây, người Myanmar chỉ cần 1,5 USD là đã mua được một chiếc Sim card. "Doanh thu của chúng tôi chỉ còn một nửa, vì rất nhiều người đã có di động. Dù vậy, tôi vẫn thấy vui vì dùng điện thoại rất tiện. Tôi có thể gọi cho tất cả mọi người", cô cho biết.
Khi công ty viễn thông của Myanmar - MPT ra mắt dịch vụ di động năm 2000, giá mỗi chiếc simcard tại đây lên tới hơn 5.000 USD ở thị trường chợ đen. Đây là mức giá không tưởng với đất nước có thu nhập bình quân chỉ gần 100 USD mỗi tháng. Bên cạnh đó, dịch vụ viễn thông lại bị kiểm soát chặt do lo ngại bất ổn chính trị.
Dù giá simcard sau đó đã giảm xuống còn 200 USD, tỷ lệ tiếp cận điện thoại di động tại đất nước 51,4 triệu dân cũng chỉ đạt dưới 7% tháng 7 năm ngoái. Đây là con số quá thấp, BBC nhận xét.
Nhưng kể từ đó, Chính phủ nước này đã đẩy mạnh mở cửa và số hóa nền kinh tế. Sau nhiều tháng đấu thầu, nước này đã cấp phép cho Ooredoo của Qatar và Telenor của Na Uy kinh doanh dịch vụ viễn thông tại đây. Họ là các công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên trong ngành viễn thông Myanmar.
Tháng trước, Ooredoo đã ra mắt dịch vụ tại các thành phố lớn là Yangon, Mandalay và Naypyidaw. Chỉ trong một đêm, Myanmar từ quốc gia ít giao lưu nhất châu Á trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Telenor cũng dự định tung dịch vụ trong tháng này.
"Điện thoại di động hiện là một phần hạ tầng nền tảng cho rất nhiều ngành công nghiệp, hỗ trợ thâm nhập các thị trường và định giá các dịch vụ tài chính. Tác động của việc này không thể đo đếm, nhưng chúng sẽ cải thiện hiệu suất cho nhiều ngành công nghiệp", Sean Turnell - chuyên gia kinh tế Myanmar tại Đại học Macquarie (Sydney, Australia) cho biết.
Chỉ trong một tháng ra mắt dịch vụ, Ooredoo cho biết họ đã đạt hơn một triệu thuê bao. Hãng cam kết đầu tư 15 tỷ USD vào Myanmar trong 15 năm và giúp 97% người dân tiếp cận dịch vụ trong 5 năm.
Trong khi đó, MPT cũng lên kế hoạch mở rộng mạng lưới của mình. Hãng tuyên bố hợp tác với nhà mạng lớn thứ 2 Nhật - KDDI và Sumitomo hồi tháng 7, cam kết đầu tư 2 tỷ USD để mở rộng việc kinh doanh.
Tỷ lệ người dùng di động tăng lên năm nay cũng giúp các hãng dịch vụ tin nhắn miễn phí, như Viber trở thành ứng dụng đông người dùng nhất tại nước này. Chỉ trong 5 tháng đến tháng 7, người dùng Viber tại Myanmar đã tăng từ gần 2 triệu lên 5 triệu.
Tuy nhiên, dù cơ sở hạ tầng viễn thông được cải thiện mang lại nhiều lợi ích kinh tế, việc này cũng châm ngòi cho nhiều bất ổn xã hội tại đây. Do người dùng điện thoại truy cập mạng xã hội và đăng tải nhiều thông tin gây xích mích.
Ross Cormack - CEO Ooredoo Myanmar cho biết giáo dục người dân về đạo đức sử dụng mạng xã hội là điều cần thiết để tránh các mặt tiêu cực. "Nguyên tắc kinh doanh và điều kiện sử dụng dịch vụ của chúng tôi có nhấn mạnh khách hàng phải cư xử đúng chuẩn mực xã hội và tuân thủ luật pháp. Chúng tôi sẽ gặp giới chức để bàn bạc chuyện này", ông nói.
Theo Christopher Chit Tun - tư vấn viên tại Deloitte chịu trách nhiệm cố vấn cho Chính phủ Myanmar về viễn thông, một phần nguyên nhân là chưa có khung pháp lý để quản lý các hành vi trên phương tiện truyền thông. "Ở các nước khác, họ giải quyết vấn đề này tốt hơn nhiều. Truyền thông xã hội khiến sự việc trầm trọng hơn, nhưng vẫn có thể giải quyết được một cách hiệu quả", ông nói.
Hà Thu