Mở cửa trở lại từ năm 2011, Myanmar ngày nay trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế với nhiều thành phố cổ, đền chùa và bãi biển hoang sơ. Bộ Khách sạn và Du lịch nước này ước tính lượng năm nay sẽ đón khoảng 3 triệu người, gấp đôi năm ngoái và gấp 3 lần năm 2012. Sau 49 năm cô lập, ngành du lịch Myanmar sẽ phải rất nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của du khách nước ngoài.
Việc này đã mở ra cơ hội cho các doanh nhân trẻ. Min Than Htut (24 tuổi) đang điều hành một công ty du lịch có tên Pro Niti Travel. Anh bắt đầu sự nghiệp bằng công việc phục vụ trong khách sạn, sau đó làm trợ lý cho công ty du lịch, rồi mở công ty riêng ở Yangon một năm trước.
Min đã phải tiết kiệm 200 USD theo học một khóa đào tạo để được cấp giấy phép hướng dẫn du lịch của Chính phủ. "Tôi biết rằng để kinh doanh hợp pháp thì cần có giấy phép. Việc này chỉ mất hai tháng, nhưng sẽ giúp chúng tôi cạnh tranh rất tốt", anh cho biết. Công ty của Min hiện có 4 nhân viên, một tài xế và rất nhiều hướng dẫn viên du lịch trên toàn quốc, hầu hết đều là bạn học của anh.
Ngay từ đầu, Min đã nhận ra tầm quan trọng của việc sử dụng Internet để thu hút khách hàng tiềm năng toàn cầu. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng, bởi Myanmar là một trong những quốc gia có tỷ lệ truy cập Internet thấp nhất thế giới. Năm 2012, chỉ 1% dân số nước này được tiếp cận mạng thông tin toàn cầu.
Mãi tới gần đây, Min vẫn chưa có kết nối mạng riêng mà phải tới một quán cafe Internet trong thành phố. "Tốc độ rất chậm. Có khi trả lời xong một email cũng mất cả tiếng", anh cho biết trên BBC.
Dù vậy, Min vẫn kiên trì tận dụng các cơ hội trên mạng. Anh bắt đầu bằng việc đưa ra những lời khuyên miễn phí về du lịch Myanmar trên các trang web và diễn đàn, rồi dần dần tìm được những khách hàng đầu tiên.
Còn hiện tại, Min đã có thể lên mạng bằng điện thoại di động và Pro Niti Travel cũng đã có trang web riêng. Min cho biết anh kiếm được rất nhiều khách hàng qua truyền miệng và những phản hồi tích cực trên các trang web du lịch như TripAdvisor. Dù vậy, kết nối Internet tại đây vẫn còn khá chập chờn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành du lịch.
Trong khi đó, Ye Man Thu, 25 tuổi, giám đốc một khách sạn hạng trung ở thành phố cổ Bagan, lại quan tâm đến việc làm thế nào để chính quyền địa phương nới lỏng luật giới nghiêm, cho phép quán bar và nhà hàng của anh hoạt động sau 10 giờ tối. Đề xuất này đã không nhận được sự đồng tình trong thành phố bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Phật giáo này.
"Người nước ngoài có văn hóa này đâu. Các doanh nhân sẽ rất vui mừng nếu luật được nới lỏng. Điều này cũng có nghĩa rất nhiều người trẻ sẽ có việc làm nữa", anh cho biết.
Dòng tiền đầu tư ào ạt đổ vào Yangon - thành phố lớn nhất của Myanmar, sau khi lệnh trừng phạt của phương Tây được gỡ bỏ, đã khiến nhiều công trình xây dựng mọc lên như nấm và giá bất động sản tăng mạnh. Việc này đã khiến Bo, một nữ doanh nhân 28 tuổi, gặp nhiều khó khăn trong việc tìm địa điểm để mở nhà hàng đồ ăn Thái.
Sinh ra tại Myanmar, Bo đã sống 14 năm tại Thái Lan trước khi trở về năm 2013 để kinh doanh. Bo đã đi xem tới 100 địa điểm đều có giá cắt cổ, trước khi thuê được nơi phù hợp, dù vẫn cảm thấy khá đắt. "Không ngờ thuê mặt bằng lại tốn kém thế này. Tôi còn không biết sẽ phải trả trước tiền thuê một năm. Tôi cứ nghĩ chỉ phải đặt cọc và trả tiền hàng tháng thôi", cô nói.
Cuối cùng Bo đã phải vay tiền từ gia đình để trả khoản thuê đầu tiên. Sau 8 tháng khai trương, nhà hàng của cô thu hút được khá nhiều du khách nước ngoài và cả người dân địa phương.
Tuy nhiên, dù phải đối mặt với những thách thức, Min Than Htut vẫn tự tin nền du lịch Myanmar sẽ phát triển về lâu dài. "Rất nhiều người chỉ nghĩ tới du lịch trong ngắn hạn. Chúng ta cần phải nghĩ xa hơn. Đây mới chỉ là bước chuyển mình ban đầu", anh nói.
Hà Tường