Nhu cầu về bất động sản tại các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn thưa thớt dân xung quanh Khu Phi quân sự (DMZ) chia tách Hàn Quốc với Triều Tiên đang tăng nhanh, trong bối cảnh hai nước sẽ thảo luận về việc ký hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc chiến tranh.
Kang Sung-wook, nha sĩ 37 tuổi ở thành phố biên giới Paju của Hàn Quốc, đã chi ra ba tỷ won (2,8 triệu USD) để mua 8 lô đất có diện tích 20 ha trong và xung quanh DMZ kể từ giữa tháng ba, theo Reuters.
Kang thậm chí còn đặt chân đến 5 trong 8 lô đất mà anh mua. Nha sĩ này chỉ sử dụng ảnh và bản đồ vệ tinh của Google Earth khi mua đất vì người dân không thể tự do vào các khu vực bên trong DMZ.
Anh cho biết nhu cầu bất động sản tại đây tăng vọt khi mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cải thiện, vì vậy anh cần phải hành động thật nhanh. "Tôi đã săn lùng từ khi tin tức về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được công bố vào tháng ba mà có vẻ như tất cả lô đẹp đã bị người ta mua mất", Kang nói. "Tôi nhận ra rằng thị trường đang cháy hàng".
DMZ được thiết lập sau chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Về mặt lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì giữa hai nước chỉ có hiệp định đình chiến chứ chưa ký hiệp ước hòa bình.
DMZ là nơi từng xảy ra một số hành động khiêu khích quân sự và một số vụ đào tẩu táo bạo từ Triều Tiên. Hơn một triệu quả mìn được đặt ở các khu vực biên giới bao gồm DMZ và Khu kiểm soát Dân sự ở phía Hàn Quốc, Jeong In-cheol, chuyên gia về bom mìn tại Mạng lưới Bảo tồn Công viên Quốc gia, cho biết.
Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên lịch sử tháng trước tại Panmunjom, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-cam kết sẽ kết nối lại tuyến đường sắt và đường bộ dọc biên giới, cũng như biến DMZ thành "vùng hòa bình".
Dù người dân bị hạn chế lui tới, khu đất nằm trong phía DMZ của Hàn Quốc và các khu vực biên giới khác vẫn có thể được mua và đăng ký. Số giao dịch đất đai hồi tháng ba ở Paju, cửa ngõ vào Panmunjom đã tăng hơn gấp đôi lên thành 4.628 so với tháng trước, vượt xa các thị trường nổi tiếng hơn như khu hạng sang Gangnam, nơi số lượng giao dịch chỉ tăng 9%.
Tại khu định cư Jangdan-myun, nơi có nhà ga Dorasan - trạm dừng cuối cùng của đường sắt Hàn Quốc ở gần biên giới, lượng giao dịch đã tăng 4 lần so với năm trước đó. Giá đất đã tăng 17% so với cùng kỳ.
Kim Yoon-sik, nhân viên buôn bán bất động sản với 25 năm kinh nghiệm ở Paju, cho biết chủ sở hữu đất trong DMZ chủ yếu là những người thừa kế đất nông nghiệp từ trước Chiến tranh Triều Tiên và một số nhà đầu tư dài hạn. "Với số lượng cầu cao hơn cung, tôi thường thấy người bán hủy các hợp đồng đặt cọc để bán lại đất cho người khác. Tình hình nóng như vậy đó", Kim nói.
Hàn Quốc không phải là chưa từng trải qua sự phấn khích này vì triển vọng hòa bình trên bán đảo. Giá bất động sản ở biên giới đã tăng vọt khi tổng thống Roh Moo-hyun gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il năm 2007. Tuy nhiên, giá sau đó giảm mạnh khi chính quyền cánh hữu của Tổng thống Lee Myung-bak lên nắm quyền một năm sau.
"Trong 7 thập kỷ qua, hai miền Triều Tiên đi theo những con đường hoàn toàn khác nhau", Jhe Seong-ho, giáo sư trường luật tại Đại học Chung Ang của Seoul cho biết. "Việc bãi bỏ các hạn chế ở khu vực biên giới sẽ không phải là quá trình nhanh chóng và trơn tru ngay cả khi Triều Tiên mở cửa kinh tế", ông nói và chỉ ra rằng phần lớn diện tích đất trong DMZ có khả năng bị hạn chế phát triển vì mục đích bảo tồn, đặt ra rủi ro cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lạc quan khi Kim Jong-un sẽ gặp Tổng thống Mỹ Trump tại Singapore vào tháng sau. "Tôi có niềm tin vững chắc rằng lần này Triều Tiên sẽ theo đuổi một nền kinh tế mở như Việt Nam", Kang nói. "Kim Jong-un sẽ không đồng ý đi các nơi và thăm Trung Quốc hai lần nếu ông ấy chỉ nói suông".
Phương Vũ