Chưa thuộc bài nên hai cậu bé vừa tập, vừa nhìn theo các chiến sĩ biên phòng. Những động tác hai em chưa quen được chiến sĩ uốn nắn cho đúng rồi thực hiện theo khẩu lệnh người chỉ huy.
Sau 30 phút, buổi tập thể dục kết thúc, Ân và Hữu đi đánh răng, rửa mặt và tới nhà ăn dùng bữa sáng. Xong xuôi, cả hai về phòng mặc đồng phục, đeo cặp, leo lên xe máy các chiến sĩ chở tới trường.
Ân 12 tuổi, học lớp 6, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi; Hữu, 9 tuổi, học lớp 3 trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học A Xan. Buổi trưa, hai học sinh ăn bán trú và chiều được chiến sĩ đồn biên phòng đón về.
Hốil Đức Hữu, ở thôn K’noonh, xã A Xan, được đồn biên nhận con nuôi từ tháng 9/2019. Hữu là con một, bố em mắc bệnh hiểm nghèo, 10 năm qua nằm ở Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam chạy thận. Mẹ Hữu rời nhà, đi làm thuê để có tiền chăm sóc chồng. Hữu ở với cô chú, nhưng nhà cũng nghèo.
Tương tự, Cơlâu Ân, ở thôn Abanh 2, xã Tr’Hy, được đón về đồn biên phòng từ tháng 9/2020. Cha mẹ qua đời khi em học lớp 1, Ân ở với bà nội hơn 70 tuổi. Bà của Ân yếu, không thể đi rẫy thường xuyên để trồng lúa nương nên thi thoảng lại đứt bữa.
Dù khó khăn, Ân vẫn đến trường. Mỗi ngày đầu tuần, cậu bé đi 12 km đến trường và ở bán trú, cuối tuần về nhà. "Hôm nào gặp xe máy thì con xin đi nhờ, nếu không phải đi bộ mất 2 giờ mới đến trường", Ân kể.
Thấu hiểu hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của hai cậu bé, Đồn Biên phòng A Xan đã làm việc với gia đình, địa phương để nhận làm con nuôi. Hai em được bố trí một phòng riêng, có giường, chăn măn đầy đủ và luôn sạch sẽ. Trong phòng có hai chiếc bàn, giá đựng đồ dùng để Ân và Hữu học tập.
Đến bữa ăn, các chiến sĩ ăn gì thì các em ăn nấy. Đêm xuống, chiến sĩ thay nhau dạy học. Hai em đã bắt nhịp với cuộc sống mới khi được những bố nuôi mang quân hàm xanh yêu thương, chăm sóc. Không chỉ quản lý, hướng dẫn học tập, các bố nuôi trực tiếp đưa đón các em đến trường và từ đồn về nhà vào cuối tuần.
Cơlâu Ân tâm sự ở đồn biên phòng, được ăn ngon, mặc đẹp và được học nhiều điều hay từ các bố. Chỉ sau thời gian ngắn cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt tại đồn biên phòng, Ân và Hữu đã tăng cân. Các em cũng biết tự chăm lo cho mình, tự giặt quần áo và gấp chăn màn vuông vức.
Thượng tá Dương Đệ Châu, Đồn trưởng Ðồn Biên phòng A Xan, cho biết thời gian đầu mới chuyển về đơn vị ở, các cháu vẫn còn mặc cảm, ngại giao tiếp. Hai cháu chưa quen với nếp sinh hoạt mới nên cũng có đôi chút khó khăn hòa nhập.
"Bây giờ các cháu đã quen với chế độ sinh hoạt của quân đội, là những chiến sĩ nhí của đồn", thượng tá Châu nói và cho biết từ khi về làm con nuôi của đồn, các cháu tiến bộ nhiều về học tập, đặc biệt là thể chất và tinh thần.
Bà Zơ Râm Thị Binh, bà nội của Cơlâu Ân cho biết, Ân sinh ra thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, nhưng thật may mắn khi được bộ đội biên phòng nhận nuôi dưỡng, cháu không phải bỏ học.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, cho biết thực hiện mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" do Bộ Tư lệnh Bô đội Biên phòng phát động từ tháng 7/2019, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát trường hợp đặc biệt khó khăn để hỗ trợ. Đến nay các đơn vị đã nhận nuôi 16 em.
Sơn Thủy