6h sáng, trong căn nhà gỗ cũ, Hồ Thị Niêu đánh thức 8 đứa em dậy làm vệ sinh cá nhân rồi ra sân tập thể dục. Sau vài phút làm khỏe cơ thể cho một ngày mới, lũ trẻ vào nhà gấp gọn chăn màn, thay áo quần rồi ăn sáng và đi học. Bữa sáng nóng hổi của chúng đã được các chiến sĩ Đồn biên phòng A Vao (xã A Vao, huyện Đăkrông) chuẩn bị sẵn từ trước. Hai năm nay, cuộc sống của các em dần theo nhịp như những người lính thực thụ.
Hồ Thị Niêu, là chị cả, 16 tuổi, và đã nghỉ học, thay mặt bố mẹ ở tại ngôi nhà gỗ ở thôn Pa Lin để chăm sóc đàn em, đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi, những đứa còn lại sàn sàn tuổi nhau nên có tới 6 em cùng học lớp 2, một em học lớp 1 và đứa nhỏ nhất mới đang học mầm non. Cả 9 chị em Niêu đều là con nuôi của Đồn biên phòng A Vao.
Niêu kể, bố mẹ em ở nhà cách biên giới Việt – Lào vài bước chân, ngay dưới cột mốc biên giới 625. Từ trường về nhà phải đi bộ xuyên rừng mất ít nhất hai giờ. Trong những lần tuần tra biên giới, các chiến sĩ biên phòng A Vao thấy gia đình Niêu có tới 15 anh chị em, sống lăn lóc giữa rừng, đứa nào cũng thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học.
Cuối năm 2018, thượng tá Ngô Đức Tuyến, Trưởng đồn biên phòng A Vao đề xuất với chính quyền xã và ban giám hiệu các trường cấp 1- 2 để đón 9 cháu về nuôi dưỡng, cho ăn học.
Chín chị em Niêu được bố trí ở trong một căn nhà gỗ cũ sát trường mầm non. Bên trong chia làm hai gian, một gian với ba chiếc giường làm chỗ ngủ, gian còn lại làm nhà ăn. Hàng ngày, Niêu ở nhà giặt giũ, dọn dẹp và nấu cơm cho 8 đứa em đi học. Đến bữa, thượng uý Hồ Văn Hùng, cán bộ Đội vận động quần chúng của đồn A Vao đưa thức ăn gồm cá thịt, canh rau từ nhà bếp Đồn biên phòng cách đó khoảng một km, đến cho các em.
Đến tối, thượng uý Hùng lại chăm lo việc kèm các cháu học bài và đi ngủ đúng giờ . Những lúc có hoạt động văn nghệ hay có đoàn khách đến thăm, các cháu lại được đón qua đồn để giao lưu.
Thượng tá Ngô Đức Tuyến cho hay, sau hai năm, các cháu đã biết đọc biết viết, biết tự chăm sóc lẫn nhau, các chế độ sinh hoạt đi vào nề nếp. "Để giúp đỡ các cháu, các cán bộ chiến sĩ của Đồn hàng tháng phải dành một phần lương và phụ cấp của mình", Đồn trưởng Tuyến nói .
Cô giáo Hồ Thị Ca Băng, chủ nhiệm lớp 2 nơi 6 em đang theo học, cho biết sau hai năm các em đã tiến bộ, hòa đồng hơn với các bạn, nhanh nhẹn và theo kịp với chương trình. "Khi mới về trường, các em rất bỡ ngỡ, chậm chạp vì chưa làm quen với môi trường học tập bao giờ", cô giáo Ca Băng nói.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Vao nói, nhờ Đồn biên phòng bố trí nơi ăn ở ổn định nên các cháu mới có được con chữ. Trước khi được Đồn biên phòng nhận làm con nuôi, nhà trường nhiều lần cử giáo viên vào nhà các cháu vận động đi học. Tuy nhiên, đường rừng hiểm trở, các cháu còn nhỏ nên không thể đến lớp.
Nhà trường cũng hỗ trợ phần gạo hàng tháng cho các cháu, bố trí giáo viên ở điểm trường Pa Lin theo dõi, kèm cặp các cháu nên những học sinh này tiến bộ hơn, biết đọc, viết, các em đi vào nề nếp và hòa nhập tốt với các bạn.
Anh Hồ Văn Súc, 45 tuổi, bố các cháu hàng tuần đều vượt rừng ra thăm các con. "Thấy các con được chăm lo đầy đủ, nhà cửa, giường chiếu, ăn mặc, học hành... tôi rất vui", anh nói.
Tại Quảng Trị, lực lượng biên phòng đón gần 20 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn về các Đồn nuôi dưỡng, học tập theo mô hình "con nuôi đồn Biên phòng". Các cháu được nhận nuôi chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, con em gia đình chính sách ở khu vực biên giới.